(Chinhphu.vn) – Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, thông qua Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm nay, Thành phố có thể xác định những ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi công nghiệp, qua đó tập trung nguồn lực, đảm bảo tính đồng bộ trong cơ chế…
Từ ngày 24-27/9/2024, TPHCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 40 đoàn địa phương và bộ, ngành quốc tế cùng chuyên gia xác nhận tham dự HEF 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Australia, Italy, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn, Thành phố mong muốn có thể rút ra những kinh nghiệm về hàm ý chính sách cho phát triển bền vững của TPHCM thông qua chuyển đổi công nghiệp.
Ông Mãi nhìn nhận, Thành phố có thể xác định những ưu tiên, trọng tâm trong chuyển đổi công nghiệp, qua đó tập trung nguồn lực, đảm bảo tính đồng bộ trong cơ chế chính sách và triển khai thực hiện, phục vụ cho định hướng phát triển bền vững TPHCM trong Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, đồng thời thực hiện mục tiêu Net Zero.
Còn theo TS. Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Thành phố mong muốn HEF 2024 là nơi gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt các xu hướng phát triển mới.
Hiện nay, cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thì chuyển đổi công nghiệp là xu hướng mới cần mổ xẻ, từ đó Thành phố có thể học hỏi kinh nghiệm, học hỏi các mô hình tốt về quản trị trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi hiệu quả từ các quốc gia, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Từ đó, xác định được định hướng chuyển đổi công nghiệp của Thành phố trong thời gian tới, góp phần tái cơ cấu nền công nghiệp nói riêng và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Cũng theo ông Phạm Bình An, điểm đặc biệt lần này là trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành với doanh nghiệp, địa phương để giải quyết các điểm nghẽn từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương. Từ đó, góp phần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh các quá trình thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh…, giúp chuyển đổi công nghiệp thành công.
“Diễn đàn là nơi thể hiện rõ vai trò các bên có liên quan, từ đó hình thành hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp vốn đang trong quá trình hình thành, trong đó ngoài vai trò của doanh nghiệp tiên phong quá trình chuyển đổi thì còn có vai trò đồng hành của các cấp chính quyền, vai trò hỗ trợ tích cực của các tổ chức khác nhau, từ tài chính đến công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhìn nhận.
Đặc biệt, ông Phạm Bình An cho biết, sự kiện ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 do TPHCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hợp tác thành lập là điểm nhấn của HEF 2024. Trung tâm này sẽ là đầu mối về hợp tác, nghiên cứu chính sách, chuyển đổi, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận vốn tài trợ…, không chỉ giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp TPHCM mà còn cho doanh nghiệp cả vùng và cả nước.
Cuối cùng, theo ông Phạm Bình An, Diễn đàn là nơi mà lãnh đạo UBND Thành phố sẽ chuyển tải thông điệp quan trọng và nhất quán của chính quyền về định hướng phát triển các ngành công nghiệp, chính sách của Thành phố trong chuyển đổi, các cơ hội hợp tác và đầu tư trong các ngành ưu tiên, khẳng định Thành phố sẽ đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi thực hiện chính sách mới.
“Diễn đàn sẽ mở ra cơ hội hợp tác và phát triển mới của Thành phố trong giai đoạn tới, đặc biệt là tìm kiếm dư địa phát triển và tăng trưởng mới Thành phố theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả”, ông Phạm Bình An khẳng định.
Tại phiên toàn thể của HEF 2024, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo (Megatrends) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.
Tại các phiên song song, đại biểu sẽ chọn chủ đề phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của mình và đi vào 3 nhóm thảo luận với các chủ đề: Vai trò C4IR tại TPHCM gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.
Đặc biệt, Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ buổi chiều ngày 25/9 sẽ diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau đó là phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương. Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Trong ngày 26/9, các đại biểu chọn một trong hai chương trình tham quan thực tế và làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) hoặc Khu Công nghệ cao TPHCM (thành phố Thủ Đức)… Tại đây, đại biểu sẽ gặp gỡ, trao đổi cùng lãnh đạo các Khu công nghiệp để nghe giới thiệu về triển khai và định hướng chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp này, đồng thời tham quan, gặp gỡ các doanh nghiệp tại đây, từ đó mở rộng sự kết nối, giao lưu hợp tác giữa các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia… với các doanh nghiệp tại đây.
Ngoài ra, Lễ khánh thành và lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TPHCM là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ của HEF 2024. Trụ sở Trung tâm được đặt tại Khu Công nghệ cao Thành phố, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024. Thủ tướng Chính phủ sẽ dự buổi lễ.
Anh Thơ