Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ nhấn mạnh: Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp chưa đạt kế hoạch đề ra. Đây là một trong những điểm nghẽn làm hạn chế sức hút của các nhà đầu tư.

Riêng thành phố Cần Thơ còn phụ thuộc lớn vào nguồn bố trí từ ngân sách nhà nước (bình quân giai đoạn 10 năm là 13,86%, còn lại nguồn vốn từ ngoài ngân sách và FDI rất hạn chế (chỉ đạt 7,5% và 5,24%). Từ đó cho thấy, thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và năng lực khai thác các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tại diễn đàn các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân trong thu hút đầu tư, từ đó đưa ra nhiều giải pháp. Đáng chú ý trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra nhận định, cơ hội của thành phố Cần Thơ đó là chủ trương, Nghị quyết, quy hoạch, nhưng thách thức lớn đó là thiếu đầu tư. Và để giải quyết được thách thức này thì TP Cần Thơ phải gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực và hạ tầng. Muốn làm được như vậy cần phải thay đổi tư duy, quan điểm từ cơ quan quản lý, hiểu hơn về nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời thành phố Cần Thơ cũng cần có chính sách đặc thù cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư sơ cấp, hạ tầng chiến lược.

Các diễn giả trao đổi với các doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2024.

Đại diện đến từ doanh nghiệp cũng có chia sẻ: Đứng về góc độ là nhà đầu tư, việc thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia mà còn giữa các khu vực có nguồn lực và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang đến lợi ích thì sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Nhiều ý kiến cũng đưa ra đề xuất, với tiềm năng sẵn có, thành phố Cần Thơ phải ưu tiên các giải pháp dài hạn, tập trung vào phát triển bền vững và cân bằng giữa hạ tầng giao thông và đô thị hóa, nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong lưu thông, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần tiếp tục quản lý quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong từng dự án. Để thu hút và khai thác nguồn vốn hiệu quả, Cần Thơ cần nghiên cứu và áp dụng mô hình hợp tác công tư hiệu quả hơn, tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông.

Tin, ảnh: NGUYỄN BÁ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.