Ngoài ra, khoản 32 Điều 79 Luật Đất đai 2024 còn quy định: Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Như vậy, luật bổ sung một số trường hợp thu hồi đất, như: Quy định cụ thể các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa không phân biệt nguồn vốn đầu tư được thu hồi đất thuộc các lĩnh vực (được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động): Văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục-thể thao, khoa học-công nghệ… để khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư phục vụ lợi ích chung của cộng đồng (trước đây, vốn ngoài ngân sách phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng).

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy, có những dự án thỏa thuận chuyển nhượng gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện, trong khi đó, các dự án phục vụ y tế, giáo dục, thể dục-thể thao, Nhà nước cần thu hút đầu tư và cần cấp thiết thực hiện. Do vậy, Luật Đất đai 2024 đã khắc phục được bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án này. Việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất sẽ đẩy nhanh hơn quy trình này; có quỹ đất sạch để triển khai dự án, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực an sinh, an dân ở địa phương.

Về thẩm quyền thu hồi (Điều 83 Luật Đất đai 2024), luật phân cấp toàn bộ thẩm quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng cho cấp huyện; đồng thời bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đây cũng là điểm mới, cấp huyện sẽ chủ động trong công tác thu hồi đất của các dự án theo Điều 78, 79 của luật, không phân biệt đối tượng thu hồi đất là tổ chức hay cá nhân, rút ngắn được thời gian trình cấp tỉnh thu hồi. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, vì nếu phải chờ sắp xếp lại tài sản công sẽ mất rất nhiều thời gian, nhất là các tài sản nhà đất do các bộ, ban, ngành Trung ương quản lý.

Cùng với đó, luật quy định UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 5 Điều 87 Luật Đất đai 2024), như vậy phải có quỹ đất tái định cư, bàn giao cho người có đất ở thu hồi trước khi thu hồi đất và bàn giao đất cho dự án, hoặc trường hợp người có đất thu hồi phải đồng ý nhận tiền bồi thường chi phí tạm cư.

Quy định này kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện, bức xúc của người dân khi có vướng mắc về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khắc phục tình trạng chậm hoàn thiện hạ tầng khu vực tái định cư để bàn giao cho người dân; không có quỹ đất tái định cư hoặc bố trí tái định cư tại các dự án khác chưa có đất.

NAM TRỰC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.