Đề xuất ‘mở cửa’ thử nghiệm 3 lĩnh vực fintech

(KTSG Online) – Dự thảo mới nhất về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng nhắc đến 3 lĩnh vực thử nghiệm mới, gồm Cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và “ngân hàng mở”. Các fintech “ngóng” khung pháp lý thử…

Fatz Admin lúc 2024-03-05

(KTSG Online) – Dự thảo mới nhất về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng nhắc đến 3 lĩnh vực thử nghiệm mới, gồm Cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng và “ngân hàng mở”.

Các fintech “ngóng” khung pháp lý thử nghiệm từ rất lâu. Hình minh họa là ảnh hội thảo sự kiện fintech.

Thu hẹp lĩnh vực thử nghiệm

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (trước đây tên gọi là “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”). Dự thảo lần này có một số thay đổi đáng chú ý sau nhiều lần sửa đổi trước đó.

QUẢNG CÁO

Cụ thể, các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm đã được thu hẹp lại từ 6 xuống còn 3 giải pháp. NHNN cho rằng, việc rút gọn dựa trên nguồn lực triển khai, ý kiến thẩm định lần 1 của Bộ Tư pháp và trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật có liên quan.

Các lĩnh vực được thử nghiệm là chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); và Cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Đây được đánh giá nhóm giải pháp fintech “có tiềm năng và nhu cầu, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực quản lý của Việt Nam”.

Ngược lại, ba nhóm giải pháp fintech bị loại ra gồm hoạt động Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; Ứng dụng công nghệ Blockchain; Ứng dụng các công nghệ khác trong hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Cũng theo NHNN, nguồn lực dành cho việc triển khai Nghị định sẽ hạn chế và không thể đáp ứng được toàn bộ thị trường cùng một thời điểm. Ước tính để triển khai, vận hành một cơ chế thử nghiệm Fintech theo quy trình từ đầu đến cuối, cơ quan quản lý Nhà nước cần một nhóm cán bộ từ 2-6 người và một cán bộ quản lý cấp cao để giám sát, phê duyệt và lập ngân sách.

NHNN dự kiến vẫn sử dụng nguồn nhân lực kiêm nhiệm. Ngoài ra, các Bộ ngành liên quan sẽ trực tiếp phối hợp với NHNN trong việc thẩm định, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện và tiêu chí xét duyệt, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm, quyết định dừng, gia hạn thử nghiệm,…

Nghị định này được NHNN khởi động từ năm 2021 với nhiều phiên bản dự thảo. Việc có nghị định về thử nghiệm Fintech được đánh giá là rất cần thiết nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, khung pháp lý này cũng giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý. Đồng thời giúp cơ quan quản lý ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Trước đó, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XV thông qua giữa tháng 1-2024, cũng nhắc đến việc giao Chính phủ quy định chi tiết về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Thận trọng với rủi ro

Theo NHNN, hiện các mảng, lĩnh hoạt động này của các công ty Fintech hầu hết chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó có thể tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng.

Các rủi ro được nhắc đến gồm rủi ro lạm dụng thị trường, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng, rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố; rủi ro chi phí trung gian cao; rủi ro không minh bạch; rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp.

Mặc dù nhận diện một số loại rủi ro, nhưng hiện vẫn chưa được đánh giá, làm rõ bản chất một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác. Hơn nữa, mỗi giải pháp Fintech có hồ sơ rủi ro với mức độ, tần suất rủi ro khác nhau mà thời điểm hiện tai chưa thể quan sát, đánh giá được hết.

Dự thảo Nghị định cũng có một số chính sách quản lý rủi ro, từ việc Quy định về trách nhiệm của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, vận hành.

“Các quy định này nhằm đảm bảo quá trình thử nghiệm các giải pháp Fintech luôn được các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ và các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro phát sinh (nếu có)”, tờ trình của NHNN có đoạn.

Tuy nhiên, NHNN cũng nhấn mạnh khó có thể kiểm soát hoàn toàn rủi ro trong quá trình thử nghiệm. Vì vậy cơ chế thử nghiệm sẽ đánh giá rủi ro, chi phí và lợi ích của từng giải pháp fintech, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép.

“Trong quá trình thử nghiệm, các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm sẽ phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá toàn diện bởi cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó kiểm soát được rủi ro phát sinh (nếu có), bảo vệ lợi ích của khách hàng tốt hơn, đồng thời tránh được tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài”, NHNN nhấn mạnh.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện.

Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công ty công nghệ tài chính (Fintech) là tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường.

Giải pháp cho vay ngang hàng (Peer to peer Lending hay P2P Lending) là giải pháp cho vay bằng đồng Việt Nam trên nền tảng số được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp để kết nối bên đi vay với bên cho vay.

Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface – Open API) là một tập hợp các API được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng bởi hệ thống máy tính của nhiều TCTD, công ty Fintech và các bên thứ ba khác để gửi các yêu cầu dịch vụ đến hệ thống TCTD chia sẻ Open API đó.

Chấm điểm tín  dụng là giải pháp ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin của một công ty Fintech nhằm chấm điểm mức độ uy tín tín dụng của một cá nhân, tổ chức để hỗ trợ quyết định cấp tín dụng của TCTD hoặc thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.