Thế nhưng với quyết tâm vượt qua thách thức, Chính phủ đã xác định phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6,8-7% và phải tăng trưởng cao hơn 7% khi tình hình thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, nếu như không có bão Yagi xảy ra, con số tăng trưởng GDP quý III có thể còn cao hơn 7,4%. Ngay sau khi cơn bão qua, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ ngành khẩn trương báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ ngay đối với những đối tượng bị ảnh hưởng sau bão.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin tại cuộc họp báo. 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17-9-2024 với nội dung chính là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của nhân dân, đẩy mạnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh ở những vùng bị ảnh hưởng.

Các giải pháp về tài khóa và tiền tệ cũng được ngành tài chính, ngân hàng nhanh chóng triển khai trong thẩm quyền.

Theo đó, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để ổn định sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp về tài chính cũng được triển khai như giãn, hoãn thuế phí, tạo dòng tiền cho các đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai nhanh chóng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm nhanh chóng rà soát, đánh giá thiệt hại và đền bù đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Những chính sách này đã có tác động kịp thời đối với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

“Khảo sát tại Hải Phòng, Quảng Ninh, tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp phục hồi rất nhanh, có doanh nghiệp chỉ trong 1 tuần”, ông Trần Quốc Phương thông tin.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm, ngành công nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi, trong khi ngành nông nghiệp và du lịch phục hồi lâu hơn. “Các chính sách cần quan tâm hơn đối với 2 ngành này”, ông nhấn mạnh.

 Quang cảnh cuộc họp.

Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thúc đẩy sự chia sẻ, nỗ lực từ các địa phương không bị ảnh hưởng nặng và có tiềm năng tăng trưởng để có thể bù đắp cho những địa phương bị thiệt hại nặng hơn.

Bộ đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phấn đấu cao hơn, điều này sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước đến cuối năm cũng như bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Tới đây, Bộ này sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành nghị quyết thường kỳ để sớm triển khai các giải pháp liên quan đến tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội đã phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt, tính chung 9 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao…

Trên cơ sở kết quả quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng Quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Kịch bản này dựa trên 6 yếu tố. Đó là: Xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn; đầu tư của khu vực nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực… Cùng với đó là, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa; đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới…

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.