Để đầu tư công trở thành điểm tựa tăng trưởng năm 2024

(KTSG Online) – Tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư…

Fatz Admin lúc 2023-10-30

(KTSG Online) – Tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sẽ là giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân thời gian tới.

Đầu tư công một trong những điểm nghẽn lớn mà tỉnh Bình Định đang tìm cách tháo gỡ. Ảnh: Nhân Tâm

Khi nền kinh tế chịu tác động kép

Chính phủ đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 – 6,5%. Đây là mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh dự báo năm 2024 nhiều khó khăn, nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và các chính sách hỗ trợ đã bão hòa.

QUẢNG CÁO

Với Việt Nam, nền kinh tế tiếp tục chịu tác động “tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Do đó, tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thuần Phong, đoàn Bến Tre, cho rằng cần nhận diện đúng các vấn đề của nền kinh tế năm 2023 cũng như kết quả phát triển kinh tế – xã hội nửa nhiệm kỳ qua, từ đó tính toán các giải pháp, thiết kế các chính sách phù hợp cho năm 2024 và nửa nhiệm kỳ còn lại.

Theo đại biểu Phong, cần nhìn nhận vào các thị trường để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Các thị trường nhìn chung đều không ổn định như: thị trường bất động sản đóng băng; thị trường trái phiếu trầm lắng; thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp; thị trường tài chính, tiền tệ nhiều rủi ro, nợ xấu đáng báo động; thị trường nội địa thì tiêu dùng dân cư giảm; các thị trường ngầm thì chưa quản lý được (cho vay nặng lãi, bảo kê, rửa tiền…vẫn tồn tại).

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, cho biết tình trạng đình trệ của nền kinh tế diễn ra khá phổ biến. Đình trệ ở đây, không chỉ là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm ở khu vực công như vẫn được nhắc đến lâu nay, mà điều này đã lan sang cả khu vực doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp hầu như không tăng trưởng nhiều, cũng không có nhu cầu, không dám vay vốn”, đại biểu Cường nói và cho rằng khả năng hấp thụ vốn, các chính sách hỗ trợ gần như đã bão hòa, không vượt lên được ngưỡng.

Do đó, ông cho rằng nếu không có các chính sách, các giải pháp thực sự tạo ra những đột phá mới thì nền kinh tế rất có nguy cơ sẽ tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Bàn về dư địa thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đoàn Hoà Bình, cho rằng năm 2022 đã có nhiều chính sách miễn, giảm thuế, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng thu đều đạt mức rất cao.

Năm 2023, dù tiếp tục thực hiện các chính sách này nhưng thu ngân sách đạt được dự toán cũng rất khó khăn. Cụ thể, thu ngân sách trung ương hụt trên 10.000 tỉ đồng do kim ngạch xuất nhập khẩu bị giảm sút đáng kể.

Với chính sách tiền tệ, dù đã có 4 lần giảm lãi suất nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt khoảng 6%. Điều này có nghĩa là những chính sách hỗ trợ cũng đã tới hạn.

Với bối cảnh trên, đại biểu Hà cho rằng dư địa cho tăng trưởng lúc này chỉ có thể liên quan đến đầu tư công và làm sao giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khi đó mới có thể đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng cho năm 2024.

Những vướng mắc nhiều năm

Xác định đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công không hề dễ dàng.

Đến cuối tháng 9, cả nước giải ngân được 51,38% theo kế hoạch Thủ tướng giao. Còn số vốn đến từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đạt 38,4%.

Đáng lưu ý, một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% kế hoạch tính đến hết tháng 9-2023. Trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Thêm vào đó, dù chỉ có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Thậm chí, tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có văn bản đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn tồn tại.

Bên cạnh nút thắt cũ như giải phóng mặt bằng, công tác thẩm định, quy hoạch, các dự án đầu tư công còn đối diện vấn đề thiếu cát.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Theo đó, các doanh nghiệp rất hiếm khi nhận được mặt bằng sạch ngay, chủ yếu là nhỏ giọt, ngắt quãng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thi công và là nguyên nhân lớn cản trở các dự án đầu tư công từ trước đến nay.

Vấn đề tiếp theo là rủi ro về giá cả vật liệu, ông Tuấn Anh cho biết một số địa phương thông báo giá không kịp thời, không sát. Chẳng hạn, với cát thì giá mua thông báo là 153.000 đồng một m3, nhưng doanh nghiệp phải mua với giá 264.000 đồng. Ngoài nguyên nhân địa phương không sâu sát, doanh nghiệp này cũng cho rằng có hiện tượng các chủ mỏ liên kết, thao túng giá thị trường.

Bên cạnh những nút thắt trên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thiếu vật liệu đắp, đặc biệt là việc thiếu cát ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng tôi buộc phải thi công cầm chừng hoặc có những dự án dừng luôn dù đã bố trí đầy đủ lực lượng. Có những dự án nếu làm đúng tiến độ là phải 3,5 tỉ sản lượng một ngày nhưng hiện chỉ đạt 70-80 triệu đồng”, ông Tuấn Anh nói và nhấn mạnh thiệt hại rất lớn.

Thực tế vấn đề này không chỉ của riêng Công ty Trường Sơn, mà các nhà thầu lớn đang tham gia các dự án trọng điểm, đặc biệt các dự án đường cao tốc phải đối mặt.

Hơn 1 tháng trước, vấn đề thiếu cát cũng được các tỉnh thành miền Tây báo cáo với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà như một nguyên nhân khiến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau chậm tiến độ 3 tháng.

Cao tốc này chỉ được cung ứng 1,5 triệu m3 cát, trong khi nhu cầu là 18,1 triệu m3. Đáng lưu ý, cao tốc này được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành.

Ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng chuyên ngành IV thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN), thông tin việc cơ quan kiểm toán ghi nhận vẫn còn tình trạng bố trí vốn đầu tư dàn trải, thiếu tập trung làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế. Các dự án công trình trọng điểm chưa được ưu tiên bố trí vốn, trong khi đó lại có hiện tượng bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, cấp vốn cho dự án chưa đủ điều kiện. Chất lượng của việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo, khiến nhiều dự án phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.

“Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế”, ông Hải nhận xét.

Gỡ khó cơ chế giải ngân vốn

Trong bối cảnh hai động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu và tiêu dùng đều giảm sút do cầu giảm tại các thị trường xuất khẩu chính và nhu cầu tiêu dùng trong nước của người dân bị bào mòn sau hai năm dịch Covid-19, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM, cho rằng cần nỗ lực, hỗ trợ đến mức tối đa để có thể triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vì chúng ta đã có kế hoạch, đã có phân bổ vốn.

“Phải làm sao tháo gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn – mà điểm nghẽn nặng nề nhất hiện nay là hạ tầng giao thông”, ông Ngân nói tại buổi thảo luận tổ chiều 27-10.

Cũng theo vị đại biểu này, theo quy định hiện hành trong Luật PPP, vốn Nhà nước tham gia tối đa 50% tổng mức đầu tư dự án giao thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa qua của ngành giao thông, cũng như của TPHCM, ông Ngân cho rằng việc nâng tỷ lệ lên 70% là hợp lý vì số vốn thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư chiếm tỷ lệ rất cao.

Cũng liên quan tới tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, qua giám sát, triển khai vừa rồi đã thấy rõ những vướng mắc trong triển khai thực hiện vừa qua chưa thu hút được các nhà đầu tư để xã hội hóa.

“Có một cốt lõi vấn đề liên quan chủ yếu đến cấp tín dụng của ngân hàng, còn lại các kênh khác như PPP có cho khi thành lập doanh nghiệp, dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì hiện nay chưa làm được để thành một kênh huy động.

Hay như phần chia sẻ giảm doanh thu, mặc dù trong luật PPP có quy định chia sẻ dùng quỹ dự phòng ngân sách, song chiếu qua quỹ dự phòng ngân sách, Luật Ngân sách Nhà nước thì mục đó lại không có. Vì vậy, sắp tới phải rà soát, điều chỉnh tổng thể mới phù hợp, đồng bộ với PPP”, ông Sơn nói.

Còn đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn Hà Nội, cho biết theo các quy định hiện tại thì nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn nhà nước tham gia – PV) và chi sau khi hạng mục công trình đó đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án xác nhận đã hoàn thành thì mới được Nhà nước giải ngân.

Việc này sẽ làm giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, gây khó khăn không nhỏ cho nhà đầu tư khi thu xếp, bố trí vốn triển khai dự án cũng như ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, cần nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh nội dung này vào Điều 4 dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộtheo hướng “Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động”.

Về phía KTNN, cơ quan cho rằng các cơ quan chức năng, địa phương cần sớm có giải pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đảm bảo nguồn cung; có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng trước biến động của giá vật liệu. Cơ quan chức năng cần sớm đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch.

Cơ quan này cũng kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần sớm rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm sang dự án có tiến độ tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; Tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Theo KTNN, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm chứ không phải quy cho tập thể. Trong đó, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Với nhà thầu, KTNN kiến nghị doanh nghiệp phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ. Trong trường hợp cần thiết, địa phương, bộ ngành có thể chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.

 

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.