Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, những ngày đầu năm 2024 là thời điểm vào mùa sản xuất nên ngân hàng tăng tốc giải ngân để vốn tín dụng tiếp tục đưa đến các địa chỉ cần hấp thụ hiệu quả nhất. Năm 2024, Vietcombank định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ, trong đó sẽ tập trung cho vay tiêu dùng mua nhà ở; cùng với đó là mở rộng tín dụng xanh, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác. 

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm (Vietcombank). Ảnh: VĂN HƯNG

Đại diện lãnh đạo SHB cho biết, các chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng đang triển khai ngay từ đầu năm với tổng hạn mức 18.000 tỷ đồng dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, hạn chế tình trạng vay nóng, trả góp với lãi suất cao trên thị trường,… 

Ngoài ra, các ngân hàng khác như: BIDV, Agribank, VietinBank, VPBank, SeABank… cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng ngay từ đầu năm. Đồng thời đưa các gói cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, để đẩy mạnh tín dụng thì ngành ngân hàng cần tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa việc áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa. 

ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.