(Chinhphu.vn) – Khối lượng thực hiện đầu tư công từ 6 tháng đầu năm đạt trên 232,2 nghìn tỷ đồng, góp phần tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo đà…
Chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả
Kết quả kinh tế quý II/2023 cho thấy tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế so với quý trước, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều thách thức, khó khăn cả từ bên ngoài và bên trong. Một trong các động lực quan trọng thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế 2023 đến từ đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Ngay từ các tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công tai các bộ, ngành và địa phương, các Tổ công tác đã quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về đầu tư công đã phát huy hiệu quả. Sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm đặc biệt trong quý II/2023 chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý II/2023 ước đạt trên 140,4 nghìn tỷ, bằng 19,93% kế hoạch năm, tăng 52,8% so với quý I và tăng 21,8% cùng kỳ năm trước (quý I/2023 đạt 13% kế hoạch năm). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn từ ngân sách Nhà nước ước đạt trên 232,2 nghìn tỷ, bằng 33,0% kế hoạch năm và tăng 20,5% cùng kỳ năm trước
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khối lượng thực hiện đầu tư công từ đầu năm đến nay đạt trên 232,2 nghìn tỷ đồng là rất đáng ghi nhận, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là từ quý II.
Qua đó, tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà tích cực rõ nét cho các quý tiếp theo trong năm 2023.
Kết quả tích cực đến từ nhiều yếu tố
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, kết quả giải ngân đầu tư công từ đầu đến này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, năm 2023 là năm có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn bao gồm cả vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cũng đã xong vấn đề về thủ tục, quy trình đã tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay sẽ tích cực hơn các năm trước.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực tập trung triển khai giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kịp thời, đáp ứng được yêu cầu dự án có thể thực hiện và giải ngân ngay từ các tháng đầu năm 2023. Đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Một điểm mấu chốt nữa thúc đẩy giải ngân là cách thức triển khai cụ thể. Theo đó, nhiều bộ, ngành và địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho mỗi sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, từ đó đã thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công từ sớm, từ xa.
Một số người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các cấp địa phương đã chủ động tập trung chỉ đạo xử lý các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã có ý thức tập trung triển khai thực hiện ngay các dự án/công trình được giao kế hoạch vốn năm 2023.
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm
Từ nay đến cuối năm, còn một khối lượng rất lớn trên 62%-67% kế hoạch vốn cần thực hiện để đạt được mục tiêu giải ngân từ 95%-100% kế hoạch vốn năm 2023. Khẳng định thực hiện vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực đóng góp tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản,… vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Lãnh đạo bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp phụ trách từng nhóm dự án cụ thể để kiểm tra đôn đốc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương theo quy định, để bảo đảm thực hiện và giải ngân hết số vốn đã được giao.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trợ, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.
Thứ sáu, thực hiện điều hoà vốn giữa Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đảm bảo thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ.
Thứ bảy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng, bảo đảm đúng quy định của Luật Xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
Thứ tám, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công./.
Minh Ngọc