Đấu giá đất hết thời đầu cơ, thổi giá

Sau các phiên đấu giá đất đầu năm 2023 ở nhiều địa phương của Hà Nội, theo đánh giá của các huyện, đấu giá đất đã trở về giá trị thật, không còn tình trạng đầu cơ, thổi giá. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt…

Fatz Admin lúc 2023-03-02

Sau các phiên đấu giá đất đầu năm 2023 ở nhiều địa phương của Hà Nội, theo đánh giá của các huyện, đấu giá đất đã trở về giá trị thật, không còn tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý IV/2022, bất động sản vùng ven Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng cắt lỗ, đặc biệt là phân khúc đất nền . Trong đó, giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven đã giảm 15 – 35% so với đầu năm 2022, đất nền dự án cũng giảm từ 8 – 15%.

Đấu giá đất hết thời đầu cơ, thổi giá - Ảnh 1.

Đấu giá đất đã về giá trị thật

Đầu năm 2023, khi thị trường đất nền vẫn đang trầm lắng thì một số huyện ngoại thành Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá đất với mức giá cao nhất lên đến 50 triệu đồng/m2.

QUẢNG CÁO

Trong tháng 3/2023 đấu giá 17 thửa đất tại Đông Anh và 26 thửa đất ở Sóc Sơn. Cụ thể là quyền sử dụng đất đối với 17 thửa đất tại khu đất X9 thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Các thửa đất có diện tích từ 73,99 đến 128,6m2/thửa với mức giá khởi điểm từ 31,2 – 34,1 triệu đồng/m2.

Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cũng thông báo đấu giá quyền sử dụng 26 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 85,3m2/thửa đến 200m2/thửa. 26 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 45 triệu đồng/m2 đến 50 triệu đồng/m2.

Trước đó, Cty đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia cũng thông báo đấu giá 55 thửa đất ở huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây trong tháng 2/2023. Cụ thể, gồm 22 thửa đất tại khu Cát Hạ, thôn Ngoại, xã Tam Thuấn và khu Mả Mảy, thôn Tây, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội với mức giá khởi điểm từ 18,3 – 41,7 triệu đồng/m2; 33 thửa đất thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất khu Vàn Gợi – Đồng Quân, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (đợt 1)với mức giá khởi điểm từ 25,2 – 40 triệu đồng/m2.

Hết thời “thổi giá”

Là một trong những huyện tổ chức đấu giá đất sớm ngay từ đầu năm, từ 3/2-16/2, huyện Phúc Thọ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 20 thửa đất tại khu Hương Nam, xã Xuân Phú và 17 thửa đất thuộc TT5 tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho biết, các cuộc đấu giá không có cảnh tấp nập như trước đây, khu vực Hương Nam đấu giá 20 thửa thì chỉ có 5 người trúng đấu giá. Trong 5 lô trúng thì 1 lô trúng bằng giá khởi điểm 23.400.000 đồng/m2; 1 lô cao nhất là 30.400.000 đồng/m2; còn lại trong khoảng trên 24 triệu/m2.

Theo ông Tuấn, điểm đáng chú ý đấu giá năm nay là 100% các hồ sơ đều là người dân địa phương. “Nếu như trước đây, hồ sơ ở Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ… nhiều thì năm nay chỉ có người dân Phúc Thọ có nhu cầu thật trả giá mua. Giá đấu cũng chỉ vừa đúng giá khởi điểm”, ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, rất nhiều hồ sơ trả bằng giá nhau, sau đó được đấu lại hoặc phương án bốc thăm.

Đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho rằng: Nguyên nhân vắng dân buôn xuất phát từ quy trình tổ chức đấu giá chặt chẽ, yêu cầu đặt cọc cao (20%) và tình hình thị trường thanh khoản yếu. Được biết, năm 2022, huyện Phúc Thọ đấu giá khoảng 331 tỷ tiền đất, đến gần cuối năm thu được khoảng 298 tỷ (99%), còn 1 phần sát dịp cuối năm chưa tổng hợp hết.

Ông Nguyễn Quý Mạnh – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho biết, cùng với thị trường trầm lắng nên đấu giá đất đã trở về giá trị thực. Không còn cảnh “cò đất” vào đấu giá rồi bán lướt sóng ăn chênh. Tuy nhiên, thời điểm này đấu giá đất cũng có những bất lợi như giá khởi điểm cao so với thị trường, do đó không có hồ sơ đấu.

“Phải đấu giá 1, 2 lần không có hồ sơ đấu giá thì mới có cơ sở để hạ giá xuống. Chúng tôi rất lo ngại kế hoạch đấu giá không thành công sẽ ảnh hưởng tới công tác đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương. Các nguồn đầu tư bị thâm hụt, các dự án sẽ bị chậm tiến độ”, ông Mạnh thông tin.

Đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất UBND quận Long Biên cho biết, năm 2022, quận chưa hoàn thành kế hoạch đấu giá đất. Trong đó có nhiều nguyên nhân như: Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, các quận huyện lại phải lập hồ sơ để thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư; Các đơn vị tư vấn thẩm định giá còn e ngại và không mặn mà tham gia xác định giá khởi điểm để đấu giá… Quận đã đề xuất UBND thành phố tháo gỡ nhiều cơ chế trong đấu giá đất để công tác đấu giá đất hiệu quả hơn trong năm 2023.

Theo Hiểu Minh

Tiền Phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.