Sau Tết, giao dịch đất nền tại nhiều khu đô thị mới, cũng như tại các địa phương ở Nghệ An rất ảm đạm dù mức giá đã giảm sâu so với đỉnh. Theo quan sát, thời điểm này tâm lý người giữ đất nền vẫn cố gắng cầm cự,…
Theo quan sát, thời điểm này tâm lý người giữ đất nền vẫn cố gắng cầm cự, còn người có nhu cầu mua đất ở chờ đợi thị trường bất động sản giảm sâu để săn giá tốt.
Giảm giá 500 – 6 00 triệu đồng/lô đất nền vẫn ít người mua
Ghi nhận tại một số địa phương ở Nghệ An , đơn cử tại Huyện Yên Thành, giá đất rao bán mặt đường QL7B, các xã Nam Thành, Liên Thành 1 lô giá 2,5 tỷ đồng, một số trường hợp chủ cần tiền gấp, giá rao có thể giảm xuống quanh mức 2 – 2,1 tỷ đồng nhưng vẫn khó bán. Một số trường hợp chủ cần tiền gấp, giá rao có thể giảm xuống 1,1 – 1,2 tỷ đồng cũng rất khó bán.
Anh Nguyễn Văn Đức – Một chủ đất ở thị trấn Yên Thành cho biết, cao điểm vào tháng 3-4/2022, giá đất nền chúng tôi mua tại đây có giá 1,5 – 1,6 tỷ đồng/lô. Đến nay, nhiều nhà đầu tư do không cầm cự nổi tiền lãi suất, rao bán hạ giá 1,1- 1,2 tỷ đồng mà không có ai hỏi mua.
Mức giá này được cho là đã giảm 500 – 600 triệu đồng/lô so với giá đỉnh thiết lập năm 2022. Tại những khu vực dân cư vào ở đông đúc, giá đất được “cầm máu” với mức giảm thấp hơn đôi chút.
Anh Nguyễn Văn Hoàng – Nhân viên sàn giao dịch Đất nền ở huyện Yên Thành, cho hay nếu trước đây cầm 2,1 tỷ đồng tìm không ra đất thì nay chỉ với 2,1 tỷ đồng, người mua đã có rất nhiều sự lựa chọn.
Tại những khu vực mới như TX Thái Hoà huyện Nghĩa Đàn, đa số người mua đất là mua đầu tư, có sử dụng đòn bẩy nên khi ngân hàng thắt chặt tài chính giao dịch liền chững lại.
Theo những người môi giới bất động sản ở đây, thời điểm sốt đất có khá nhiều nhà đầu tư ở thành phố Vinh lên “ôm” khá nhiều lô đất tách thửa ở các xã vùng sâu như Nghĩa Thành, Nghĩa Mai, Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn), giá mua thời điểm đó 220-230 triệu đồng/lô đất 200m2. Hiện chủ đầu tư nhờ chúng tôi rao 170 triệu đồng/lô, nhưng từ ra Tết đến nay vẫn chưa thấy ai hỏi mua.
Chị Nguyễn Thanh Nga – Cộng tác viên một số sàn giao dịch Bất động sản ở TP. Vinh như Đất Xanh, Tân Long…cho hay ” Giai đoạn trước Tết, một số nhà đầu tư ở thành phố Vinh dùng đòn bẩy tài chính, khi không gồng lãi được đành chấp nhận bán ra cắt lỗ, giảm giá từ 200- 300 triệu đồng/ 1lô. Với khách có nhu cầu cắt lỗ hoặc giải quyết công việc, chấp nhận hạ giá thêm 200 – 300 triệu đồng là thanh khoản được ngay. Giai đoạn này nhiều nhà đầu tư có tín hiệu quan sát, bắt đáy, lượng khách hàng quan tâm cũng tăng dần” – chị Nga cho biết.
Sau Tết, nhiều khách hàng có nhu cầu ở thực đã có xu hướng dò hỏi và tìm mua các lô giảm giá. Chị Nga đánh giá mức giá bán tại thành phố Vinh đã tốt hơn rất nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên theo chị Nga, “ Thời điểm này giới đầu tư bất động sản hầu hết tạm dừng, chỉ có nhu cầu thực thì người dân vẫn tìm mua. Giá đất nền có giảm ở các huyện, còn ở thành phố Vinh vẫn khá cao, giá chỉ giảm nhẹ… ” chị Nga cho hay.
Ngân hàng siết tín dụng, giao dịch càng khó khăn
Tại dự án Khu đô thị ở huyện Diễn Châu, tình hình giao dịch mua bán đất nền từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 cũng không khả quan. Các sàn giao dịch, người môi giới ghi nhận phát sinh giao dịch mua bán rất ít dù giá đã giảm sâu.
Giao dịch BĐS sôi động vào năm 2021 và đầu năm 2022. (Ảnh tư liệu)
Chủ một dự án ở khu đô thị huyện Diễn Châu cho hay, “ G iá đất của dự án khu độ thị là giá thực chứ không “ảo” như giá đất đấu giá, chúng tôi đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống đường giao thông được thảm nhựa, có các công trình phúc lợi đi kèm. Từ ra Tết đơn vị đã cho chạy quảng cáo, rao bán trên các trang mạng, tuy nhiên, vẫn chưa bán được lô đất nào… ”, vị này chia sẻ.
Đối với các dự án Shop-house, biệt thự liền kề tại thị xã Thái Hoà, thời điểm “sốt” đất, nhà đầu tư mua với giá 4,2 tỷ đồng/ 1lô, sau đó bán lướt trao tay lên đến 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, một số nhà đầu tư không chịu nổi lãi suất ngân hàng cũng rao bán lại với giá khởi điểm nhưng giao dịch thành công rất ít. Những người có nhu cầu ở thực đang canh mua những lô đại hạ giá và chờ đợi giá đất thấp hơn nữa.
Thời điểm này, các sàn bất động sản đánh giá tình hình giao dịch ảm đạm là do ảnh hưởng của việc siết tín dụng vào bất động sản và triển vọng kém tích cực của ngành này trong ngắn hạn, không tạo được sức hút cho nhà đầu tư xuống tiền.
Anh Phan Văn Thế – Nhân viên môi giới bất động sản nhận định với lãi suất ngân hàng hiện nay, người nắm giữ nhiều tiền mặt có xu hướng gửi tiết kiệm hơn là đầu tư vào đất vì mức sinh lợi tốt và an toàn. Trong khi đó, rất nhiều người dân có nhu cầu ở thực nhưng tài chính trên dưới 1 tỷ đồng, muốn vay mượn thêm để mua đất ở rất khó khăn vì lãi vay cao và ngân hàng không giải ngân mục đích này.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thế Phiệt – Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An nhìn nhận tình hình giao dịch bất động sản hiện rất trầm lắng. Đối với đất nền của các dự án mặc dù được đầu tư đồng bộ, có nhiều lợi thế so với đất đấu giá nhưng giao dịch rất “nhỏ giọt”. Dự đoán về thị trường bất động sản thời gian tới sẽ rất khó lường.
Ngành chức năng ở Nghệ An hiện đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, qua đó, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá trục lợi bất hợp pháp.
Báo Công Thương