Đắt đỏ như New York mà còn làm được

(KTSG) – LTS: Thành phố New York, trung tâm tài chính của thế giới, thường được biết đến là nơi có mật độ xây dựng dày đặc với hàng trăm tòa nhà chọc trời, nhưng có lẽ ít người biết thành phố này có tới 37,8% diện tích là cây…

Fatz Admin lúc 2023-06-27

(KTSG) – LTS: Thành phố New York, trung tâm tài chính của thế giới, thường được biết đến là nơi có mật độ xây dựng dày đặc với hàng trăm tòa nhà chọc trời, nhưng có lẽ ít người biết thành phố này có tới 37,8% diện tích là cây xanh, thậm chí nơi đây còn tồn tại cả khu rừng nguyên sinh. Do đâu mà một thành phố có giá bất động sản đắt đỏ vào loại bậc nhất trên thế giới lại có thể phát triển được nhiều không gian xanh như vậy? Kinh tế Sài Gòn xin đăng lại một phần trong bài “Thành phố New York như tôi biết” của tác giả Vũ Quang Việt đã đăng trên ấn phẩm xuân Quý Mão để giải đáp cho câu hỏi trên.

Hình ảnh về công viên xây trên đường tàu điện cũ.

Trước kia ngại đi bộ, mỗi lần đi đâu là leo lên xe điện ngầm nên không cảm thấy gần gũi với những con đường, những góc phố. Nhưng từ ngày về hưu, đi xe đạp và đi bộ thường xuyên nên không gian quen thuộc đã cho phép cảm nhận rõ rệt những gì còn lại và những gì đã biến chuyển trong gần 50 năm qua. Điều thay đổi rõ nhất là ngày càng thấy nhiều công viên được xây lên, đường phố cho xe hơi đi bị làm hẹp lại, dành chỗ để các chậu cây cảnh và chỗ ngồi ngoài đường cho khách đi đường.

Toàn bộ khu dọc phía Đông bên sông Hudson đã trở thành công viên cây xanh, có đường đi xe đạp và đường chạy bộ, kéo dài từ phía Bắc đầu đảo Manhattan nơi vẫn còn giữ khu rừng khá nguyên thủy trên núi cao nhìn xuống dòng sông phía dưới. Con đường dọc bờ sông có chiều dài khoảng 15 mile (hay 25 ki lô mét), mất một tiếng rưỡi nếu đạp xe đạp từ tốn. Bắc đảo có khu Cloisters là tu viện thời Trung cổ được Rockeffler mua từ bên châu Âu đem về sắp lại. Chung quanh và phía Bắc còn tìm thấy khu rừng nguyên thủy và từ trên đỉnh cao có thể nhìn sang bang New Jersey đầy cây xanh.

QUẢNG CÁO

Hiện nay New York có 77.580 mẫu Anh cây xanh, chiếm 37,8% với 205.000 mẫu diện tích cả thành phố. Đó là tính cả những vùng gần biển, ngập mặn, được giữ nhằm bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là khu Đảo quận Staten Island, mà có lúc thành phố định cho phép phá đi xây dựng khu dân cư. New York có đến 30.000 mẫu công viên, chiếm 14% diện tích thuộc quyền quản lý của thành phố và hoặc giao cho các tổ chức phi vụ lợi quản lý. Như vậy là rất lớn, diện tích công viên gấp 3 lần so với thành phố Chicago với 8.800 mẫu, và 5 lần so với thành phố San Franciscos với 5.810 mẫu. Phía Bắc khu rừng nguyên sơ vẫn được bảo tồn.

Điều này thật ra không còn ngạc nhiên với nhiều người, khi so với trước đây, thành phố New York chỉ có nhà cao tầng, khu vực Harlem ổ chuột, nhà cháy trụi, ít ai dám tới. Phải nói mới đây nhiều công viên mới được xây dựng phía Tây của Manhattan là do các tổ chức phi vụ lợi gây quỹ xây dựng và bảo trì, mà chính quyền địa phương không phải tốn một xu. Điển hình là việc biến đường xe lửa trước đây được dùng để chuyển hàng thịt và hoa quả vào thành phố, thay vì bị phá đi, đã được dân khu vực nhất là giới nghệ sĩ gây quỹ, biến thành công viên, The Highline (đường trên cao), hàng ngày thu hút rất nhiều dân thành phố và du khách.

Công viên xe lửa này trước đây chấm dứt ở khu chứa hàng hóa, giờ chấm dứt ở bảo tàng nghệ thuật mới xây là Whitney Musuem. Phía dọc bờ sông trước đây là bến tàu đã biến thành công viên kéo dài đến tận đỉnh phía Bắc của đảo Manhattan. Chỉ hơn 20 năm trước, ít ai dám đi qua khu này về ban đêm, vì đường tối, và hoạt động mại dâm. Bây giờ những kho chứa hàng đã biến thành phòng tranh tư nhân hoặc bị đập đi xây nhà mới, đắt tiền, nhưng nhà cao hơn một mức nào đó và được hưởng thuế suất thấp phải dành ít nhất 20% diện tích cho người nghèo thuê với tiền thuê không được phép hơn 30% thu nhập của họ.

Đây là biện pháp nhằm giảm chi đầu tư từ ngân sách để xây dựng nhà ở do chính phủ sở hữu. Ngay cả khu phía Đông, dọc theo bờ sông Đông từ trụ sở Liên hiệp quốc xuống phía Nam và vòng về bờ sông Hudson phía Tây cũng đều là công viên, và nơi chơi thể thao cho mọi người, và hiện nay đang trong giai đoạn đại chỉnh trang. Gần như có thể đi xe đạp hoặc chạy bộ chung quanh đảo mà không phải dừng chờ qua đường trừ phía Đông từ trụ sở Liên hiệp quốc đi lên mạn Bắc, phần lớn phải qua đường phố nhưng trên lối đi dành riêng cho xe đạp.

Bây giờ không phải chỉ tìm thấy bồ câu và sóc, mà có thể tìm lại 220 giống chim. Bờ sông và hồ trong công viên thường xuyên thấy cò và chim ưng biển, chính tôi cũng đã chụp được trong Central Park, công viên lớn nhất giữa đảo Manhattan rộng tới 843 mẫu và bằng khoảng 6% diện tích quận Manhattan. Trong công viên, dâu xanh (blueberry) xuất hiện đã thu hút bướm dâu xanh. Rồi chồn (mink), linh miêu (bobcat), diều hâu đuôi đỏ cũng tìm đường về. Có lần tôi thấy cả diều hâu trong công viên gần ngay nhà, chỉ cách 5 phút đi bộ, mùa hè thì thấy vô kể đom đóm lập lòe ban đêm.

Thú vật hoang dã trở lại vì chính sách cấm dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, và chương trình gần 10 năm tính từ năm 2009 nhằm rửa sạch chất hóa học PCB do Công ty General Electrisc thải ra sông Hudson. Lươn, hàu hoang dã lớn, ngựa biển nhỏ đã trở về với sông. Phải đến năm 2016 Bộ Y tế bang mới ra khuyến cáo về việc ăn cá bắt trên sông nhưng tùy nơi bắt, chỉ người lớn và phụ nữ không mang thai mới nên ăn, và chỉ ăn một vài loại một tháng một lần, còn lươn thì không nên ăn.

Cũng chính việc xanh hóa thành phố, xóa bỏ tàn tích của thời công nghiệp và chuyển hoàn toàn sang dịch vụ, các bến cảng trong thành phố đã chuyển thành công viên, khu vực chứa hàng rộng không còn được sử dụng đã được tư nhân chuyển thành các phòng tranh có sức chứa các bức tranh và tượng lớn. Khu Soho nổi tiếng trở nên đắt đỏ, các nghệ sĩ với studio vài chục phòng tranh đã chuyển tới Chelsea, rồi mới đây lại hơn 40 phòng tranh chuyển tới Tribeca.

Thời thị trưởng Bloomberg (ba nhiệm kỳ 2002-2013), có lẽ là một trong những thời vàng son nhất của thành phố, ông ta đã tập trung phát triển các khu công viên dọc theo sông không chỉ ở quận đảo Manhattan mà còn ở cả quận Brooklyn. Nhiều nơi ông giao cho các tổ chức phi vụ lợi gây quỹ phát triển mà không dựa vào thuế nhà nước kể cả chi phí bảo trì.

Đối với người dân New York, nhiều người còn tỏ ra hãnh diện hơn nếu là dân quận Brooklyn. Quận này trước đây có tên là Breuckelen do Hà Lan lập và bị Anh chiếm năm 1664. Trước đây Brooklyn là thành phố riêng, độc lập với New Amsterdam và sau này Anh đổi tên thành New York khi chiếm đóng năm 1653. Thành phố New York lúc đầu chỉ có hai quận là Manhattan và Queens. Brooklyn là một thành phố độc lập cạnh biển, nên có khu trung tâm hành chính và thương mại, có nhà hát giao hưởng và kịch nghệ, bảo tàng nghệ thuật riêng, và có một công viên lớn với thảo cầm viên, vườn Nhật, không kém mấy công viên Central Park ở Manhattan.

Trước đây Brooklyn và New York được gọi là thành phố anh em. Mãi đến năm 1898 Brooklyn mới quyết định xin sát nhập vào thành phố New York. Ở đây, và với trẻ nhỏ thì rất lý thú, vì chỉ cần đi ngang dọc khoảng 10 phút là có thể tìm thấy vườn chơi cho trẻ em. Tôi đã từng hàng ngày coi cháu dẫn chúng đi chơi công viên, ngồi tán chuyện thoải mái với các ông bà da màu. Công viên như thế này ở Brooklyn có thể tìm thấy khắp nơi.

West Side Highway (xa lộ phía Tây) xây xong khoảng năm 1940, và đến năm 1973 phần phía Nam sụp. Thời Tổng thống Reagan chính phủ liên bang đã có kế hoạch chi 2,1 tỉ đô la để xây lại xa lộ sáu làn xe, nhưng các nghiên cứu của Bộ Môi trường cho thấy để xây cần lấp một phần bờ sông do đó ảnh hưởng tới môi trường và chỗ ở của cá nên đề nghị đổi xa lộ lấy tàu điện ngầm.

Cuối cùng vào năm 1985, do dân chống đối, dự án xây dựng xa lộ bị hủy. Công viên xanh xây trên đường xe lửa, công viên mới do tư nhân xây dựng năm 2020 bên bờ sông và họ được hưởng quyền sử dụng mở nhà hàng trên một khu bến tàu cũ.

Đây là lý do thời thị trưởng Bloomberg tập trung xanh hóa thành phố và có lẽ vì thế không ít giới cổ vũ cho tư tưởng xã hội quá cấp tiến phê bình rằng chính sách kiểu này chỉ nhằm phục vụ cho người giàu và người trung lưu.

Nhưng thực tế, chính sách cũng đã không quên khuyến khích tăng chỗ ở cho người có thu nhập thấp, như việc đòi hỏi các nhà cao tầng, xây vượt mức trung bình và nhất là xây trên đất mướn dài lâu (50-100 năm) của thành phố phải dành 20% chỗ cho người có thu nhập thấp và tiền cho thuê không được phép tính quá 30% thu nhập của họ.

Tôi thấy đây là chính sách rất hay vì nơi ở trở nên khu hòa đồng giữa người giàu và người nghèo, giữa những người khác màu da, ở cùng một nơi và con cái học cùng trường và do đó không còn cảnh cô lập những người nghèo và da màu vào một số địa điểm để trước đây những khu này nhanh chóng trở thành khu ổ chuột như Harlem hay nhiều khu khác ở quận Bronx, và trẻ con tụ tập, nhanh chóng học điều xấu của nhau khi bố mẹ phải lo chạy kiếm tiền, không có thì giờ lo cho con cái.

Một bà bạn quen, đã từng ở trong quân đội Mỹ, lương không bao nhiêu được thuê một căn hộ nhỏ trong một tòa nhà sang trọng và chỉ trả 500 đô la mỗi tháng so với giá thị trường trên 2.000 đô la.

Vũ Quang Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.