Phiên thảo luận được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng, trong xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành sản phẩm thiết yếu phổ thông và được sử dụng cho mọi người, mọi nhà, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hơn nữa, khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, nên hầu hết sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn tiết kiệm điện.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị, xem xét lại việc đưa mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất dưới 90.000 BTU vào nhóm sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp vẫn tiếp tục áp thuế mặt hàng này, thì nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại điều hòa nhiệt độ sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC, để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm đánh giá về việc chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ có công suất lớn hơn 90.000 BTU.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, điều hòa là nhu cầu thiết yếu, không thể không có đối với các gia đình có thu nhập bậc trung trở lên. Theo đại biểu, việc tăng thuế với mặt hàng thiết yếu như vậy là không cần thiết, không tăng thêm được bao nhiêu tiền, nhưng lại để người dân phiền hà, không hài lòng.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Có cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, dẫu tăng thuế điều hòa lên đến 50%, người dân vẫn cứ dùng, không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Như vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt không có tác dụng.
“Chính vì vậy, đối với những sản phẩm thiết yếu, không có sản phẩm khác thay thế, không thể thay đổi hành vi được, thì tôi đề nghị không nên đưa vào là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như điều hòa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng tình việc đưa máy điều hòa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vì điều hòa là một điều kiện sống tốt hơn cho người dân, cho sức khỏe của người già và trẻ em.
“Tốt hơn là chúng ta hướng dẫn cách sử dụng máy điều hòa, lúc nào sử dụng và sử dụng thế nào, chứ không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Nhất trí với các đại biểu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phân tích, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ được áp dụng từ năm 1998. Sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay so với thời điểm đó là rất khác. Điều hòa nhiệt độ hiện nay được sử dụng như một thiết bị thiết yếu, do biến đổi khí hậu và sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội.
Hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng điều hòa nhiệt độ, ngay cả các phòng trọ cho đối tượng có thu nhập thấp, cho sinh viên thuê, cũng đều trang bị điều hòa nhiệt độ.
“Điều đó cho thấy, đây không còn là mặt hàng được coi là xa xỉ dành cho đối tượng có thu nhập cao nữa. Vì vậy, nên cân nhắc bỏ quy định này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trên thế giới, có nhiều nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Giải trình về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trên thế giới, có nhiều nước tính thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa, như Hàn Quốc, Ấn Độ, Na Uy, Tây Ban Nha, Anh, quy định đánh thuế với điều hòa dưới 27 độ C.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá, ý kiến của các đại biểu rất đúng, nên Ban soạn thảo đã tiếp thu và quy định giao cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các đối tượng cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội và các sản phẩm điều hòa chịu hoặc không chịu thuế suất.
“Ví dụ, khi chúng ta dùng năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió hay điện khí Hydro cho điều hòa, thì rõ ràng sản phẩm điều hòa lúc đó sẽ không tính thuế tiêu thụ đặc biệt”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc lý giải thêm: “Thứ nhất là luật đang ổn định; thứ hai là điều hòa đang tiêu thụ lượng điện hóa thạch rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến vấn đề biến đổi khí hậu; vấn đề thứ ba là có một số chất như chất FC, HPC gây tác hại cho tầng ozone, cho nên hiện nay, chúng tôi đang có đề nghị sẽ đánh thuế điều hòa”.
CHIẾN THẮNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.