Cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối

NHNN đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN  của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (DTNHNN). Dự thảo Thông tư…

F.admin lúc 2022-10-17

NHNN đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN  của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (DTNHNN).

Dự thảo Thông tư có nhiều điểm sửa đổi quan trọng như: quy định về cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức; Việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước; Tiêu chuẩn lựa chọn đối tác thực hiện các nghiệp vụ quản lý DTNHNN…

Ảnh minh họa

QUẢNG CÁO

Theo dự thảo, Điều 6 (về Xây dựng và tuân thủ cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức) nội dung cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức bao gồm: a) Cơ cấu theo ngoại tệ: loại ngoại tệ và tỷ lệ phần trăm theo loại ngoại tệ; b) Cơ cấu theo thời hạn đầu tư ngoại tệ: tỷ lệ đầu tư ngắn hạn dưới 01 năm, trung hạn từ 01 đến dưới 03 năm và dài hạn từ 03 năm trở lên đối với Quỹ Dự trữ ngoại hối; tỷ lệ đầu tư không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 năm đối với Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng; c) Cơ cấu theo hình thức đầu tư ngoại tệ: tỷ lệ tiền gửi, các loại chứng khoán, giấy tờ có giá, ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư khác đối với Quỹ Dự trữ ngoại hối; tỷ lệ tiền gửi, các loại chứng khoán, giấy tờ có giá và các hình thức đầu tư khác đối với Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng; d) Cơ cấu vàng: khối lượng các loại vàng của Quỹ Dự trữ ngoại hối và Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng; đ) Mức ngoại tệ tối đa để mua vàng trên thị trường quốc tế của Quỹ Bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng…

Khoản 4, Điều 6 cũng được sửa đổi như sau: Trường hợp thị trường tài chính trong nước và quốc tế có biến động bất thường, thay đổi lớn trong mục tiêu CSTT và xu thế đầu tư vào các loại ngoại tệ và vàng trong dự trữ quốc tế của các nước trên thế giới, quy mô DTNHNN biến động lớn và các trường hợp khác có ảnh hưởng tới việc tuân thủ cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức, Sở Giao dịch báo cáo Trưởng Ban điều hành, đồng gửi Vụ Quản lý ngoại hối. Trên cơ sở chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành, Vụ Quản lý ngoại hối chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.

Theo Ban soạn thảo, thực tế các biến động trên thị trường tài chính thế giới đều tác động tới DTNHNN. Tuy nhiên, không phải biến động nào cũng ảnh hưởng tới việc tuân thủ cơ cấu đầu tư DTNHNN. Do đó, dự thảo Thông tư sửa đổi theo hướng: trường hợp biến động có ảnh hưởng tới việc tuân thủ cơ cấu đầu tư DTNH chính thức thì các đơn vị liên quan mới phải đề xuất phương án điều chỉnh cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối.

Một trong những quy định đáng chú ý khác tại dự thảo là các hoạt động can thiệp thị trường trong nước (Điều 15). Theo dự thảo, NHNN thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau: a) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định; b) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;c) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo dự thảo, tùy từng hình thức can thiệp, Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch sẽ báo cáo Thống đốc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án can thiệp thị trường trong nước. Cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước gồm: Mục tiêu điều hành CSTT, tỷ giá; Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; Tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam; Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể…

Giải thích thêm về các quy định tại Điều 15, Ban soạn thảo cho biết: Quy định hiện nay chưa đề cập đến yếu tố “tình hình thanh khoản đồng Việt Nam”, trong khi đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, xem xét khi thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ. Đồng thời, quy định về tình hình thị trường ngoại tệ và tình hình thanh khoản VNĐ sẽ bao hàm đầy đủ hơn các yếu tố cần thiết để quyết định phương án can thiệp. Vì vậy cần bổ sung yếu tố này vào Thông tư sửa đổi. Ngoài ra, để có sự linh hoạt trong việc xây dựng phương án can thiệp, nên cần bổ sung thêm “Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể (nếu có)”.

Hà An

Share
Bài viết bởi

F.admin

Bình luận đã bị đóng.