Toàn cảnh hội nghị. 

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

 Chăn làm từ tơ tằm – Một sản phẩm OCOP của TP Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Trong đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” cũng là để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất. Do đó, Chương trình OCOP cần có được những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Sản phẩm OCOP không chỉ cần phải bảo đảm chất lượng mà đồng thời còn kèm theo những câu chuyện, những giá trị mang bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Đây chính là những yếu tố để sản phẩm OCOP thu được giá trị gia tăng có sức lan tỏa, thu hút người tiêu dùng trên thị trường.

NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.