Nhiều chủ nhà đưa ra mức giá cao với kỳ vọng thu khoản lời lớn. Nhưng đến nửa năm rao bán, căn nhà vẫn chưa tìm được chủ mới. Thậm chí có căn hộ rao giá cao, khách mua nhà cũng từ chối tới xem. Nguồn cung khan hiếm, giá…
Nguồn cung khan hiếm, giá chung cư mới tăng mạnh, thị trường chung cư đã qua sử dụng bất ngờ trở nên sôi động khi lượng cầu tăng mạnh. Khảo sát thực tế, tại các dự án chung cư cũ, mức giá tăng trung bình từ 10-30%.
Nhiều chủ nhà thấy giá chung cư tăng đột biến, cũng chào bán với mức giá “trên trời”.
Mua căn chung cư 3 phòng ngủ ở cạnh cổng chào Thiên Đường Bảo Sơn vào tháng 4/2021 với mức giá 1,85 tỷ đồng, vợ chồng anh M. bỏ thêm 100 triệu đồng để tu sửa căn nhà.
Một năm sau, anh M. thấy giá chung cư ở dự án đang ở tăng chóng mặt. Những căn 2 phòng ngủ vào thời điểm Tết 2022 có giá 1,4 tỷ đồng đã tăng lên tới 1,7 tỷ đồng. Có căn 2 phòng ngủ diện tích gần 80m2 chạm giá 1,835 tỷ đồng bao gồm cả nội thất.
Nghĩ thời điểm này bán dễ dàng được giá, anh M. bàn với vợ bán nhà. Mức giá mà anh rao bán là 2,5 tỷ đồng cho căn hộ 83m2, tương đương với mức giá 30 triệu đồng/m2. Mức giá mà vợ chồng anh M. rao cho một căn hộ nằm ở Hoài Đức, Hà Nội tương đương với giá căn hộ chung cư cũ tại Mỹ Đình.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng rao bán, căn nhà của anh M. vẫn chưa có người chốt mua. Một môi giới rao bán nhà cho M. tiết lộ thêm, khách xem ảnh và giá nhà đều kêu đắt. Lượng người đến xem nhà không cao.
Chị N. ở chung cư Gemek2 (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) vừa đăng tải thông tin rao bán căn hộ 3 phòng ngủ, đầy đủ nội thất với mức giá 2,6 tỷ đồng.
“Lúc tôi đăng giá này, nhiều người quen cùng toà nhắn tin hỏi sao tôi đăng rẻ thế. Mức giá thị trường hiện tại là 2,9 tỷ đồng. Nếu đăng 2,9 tỷ đồng, tôi nghĩ hơn 1 năm sau tôi bán giá này cũng chẳng ai mua. Giá 2,9 tỷ đồng là giá ảo. Mọi người thấy giá chung cư tăng nên đẩy lên ầm ầm. Chứ tính ra hơn 30 triệu đồng/m2, bằng giá chung cư ở nội thành, trong khi chung cư dần khấu hao. Đăng giá cao nhưng chẳng ai mua. Có chủ nhà không có nhu cầu bán nhưng thấy giá cao, cũng rao bán. Họ “hét” giá thật cao, ai mua được thì họ lời”.
Không chỉ có chung cư, loại hình nhà đất trong ngõ cũng ghi nhận mức giá tăng đột biến. Khảo sát thực tế cho thấy, cách đây 1 năm, căn nhà đất trong ngõ sâu, diện tích 30-33m2 tại khu vực Phú Đô, Lê Quang Đạo, Mỹ Đình, Đỗ Đức Dục, giá dao động từ 3-3,5 tỷ đồng. Theo môi giới khu vực này, cầm 3 tỷ đồng đi mua nhà đất ở khu vực này cách đây một năm rất dễ dàng. Nhưng hiện tại, mức tài chính từ 3,8-4.5 tỷ mới có thể mua được căn nhà như vậy.
Trước đó, một căn nhà 30m2, nằm trong ngõ sâu Đỗ Đức Dục được rao bán 2021 với giá 3,05 tỷ đồng. Đến hiện tại, chủ nhà đẩy giá lên 3,8 tỷ đồng. Hay tại khu vực Phú Đô, Lê Quang Đạo, mức giá cho căn nhà diện tích 35m2, 4 tầng, ngõ dưới 3m, dao động trung bình 4,2-4,8 tỷ đồng. Thậm chí có nhiều căn nhà được chủ rao bán lên tới 5,2 -5,5 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm 1 năm trước, giá nhà đất trong ngõ hiện tại tăng 10-25%. Với tài chính 6- 7 tỷ đồng người mua nhà mới có thể sở hữu căn nhà nằm ngõ thông, ô tô có thể đi vào.
“Chủ nhà “hét” giá cao. Môi giới như chúng tôi vào tư vấn, thị trường đang trầm lắng như hiện tại, vay vốn ngân hàng cũng khó khăn. Sức mua cũng giảm. Nơi nào cũng trầm lắng. Nên nếu chủ nhà muốn bán thì nên để giá hợp lý.
Nhưng mà chủ nhà thì nghĩ, môi giới chiêu trò, muốn đẩy giá thấp để dễ bán. Họ cứ mặc định để giá cao. Nói thật, với mức giá này, báo cho khách hàng, họ đã không muốn đi xem chứ chưa nói gì đến bước đàm phán, thoả thuận mua”, môi giới khu vực Mỹ Đình cho hay.
Cũng theo môi giới này, nhiều căn đăng giá cao, người mua chẳng đoái hoài. Thế nên, rất nhiều căn nhà đất trong ngõ “ế ẩm”. Có căn rao đến gần 1 năm vẫn không có ai mua. “Một số nhà còn tăng giá mấy lượt. Nhưng ngay cả mức giá ban đầu đưa ra đã không có khách mua thì tăng thêm vài trăm triệu, khách cũng chẳng ai muốn mua, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện tại”.
Nhịp sống thị trường
Trả lời