Thị trường bất động sản gần như “đóng băng” khi số lượng căn hộ mở bán, lượng giao dịch tụt dốc và giá bán hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhiều phân khúc giá vẫn còn neo cao, với mức vượt quá tầm tay của người có nhu cầu ở thực. Khu…
Khu vực phía đông TP.HCM tập trung nhiều dự án bất động sản – Ảnh: NGỌC HIỂN
Doanh nghiệp đã giảm giá bất động sản thực chất chưa?
Tại cuộc làm việc với TP.HCM mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng giá bất động sản vẫn neo như lúc bình thường sẽ không tốt cho thị trường. Theo Thủ tướng, cần giảm giá bất động sản và Nhà nước quản lý chặt hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 28-11, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – cho biết giá bất động sản thời gian qua neo cao, có nguyên nhân do giá bị thổi lên quá cao.
Theo ông Châu, cả thị trường sơ cấp từ chủ đầu tư bán ra lẫn thứ cấp mua đi bán lại đều cao, căn hộ vừa túi tiền đã biến mất trong khi có quá nhiều căn hộ dạng cao cấp với những căn lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Do đó, chỉ khi đối diện với vấn đề “sống còn”, doanh nghiệp mới chấp nhận giảm giá khi tăng khuyến mãi, chiết khấu lên đến 40-50% khi thanh toán ngay bởi hiện không ít doanh nghiệp đang chịu sức ép về dòng tiền, thanh khoản.
“Giờ doanh nghiệp không có tiền mặt, không có tính thanh khoản thì đối diện với những nguy cơ to lớn nên đành phải dùng những giải pháp như năm 2009 đã thực hiện là giảm đến 50% giá bán”, ông Châu nói.
Tuy vậy, ông Châu chỉ rõ trước đó có hiện tượng giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, bây giờ phải giảm xuống và “câu hỏi đặt ra là đã thực chất hay chưa?”.
Theo ông Châu, thời điểm này doanh nghiệp phải hết sức cầu thị, thực hiện theo kinh nghiệm cha ông đã đúc kết là “thà bán lỗ để cắt lỗ” còn hơn càng đeo theo, càng lỗ to dẫn đến “mất vốn, sập tiệm”. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhấn mạnh việc giảm giá này phải đi vào thực chất, không nên giảm giá theo kiểu đẩy lên rồi tung ra các ngày giảm giá chẳng thực chất.
Giải pháp căn cơ là phải hỗ trợ cho người mua nhà để ở và loại trừ những người đầu cơ. Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng đối với những căn hộ lớn đang tồn kho, cần chia thành căn hộ nhỏ để giảm giá bán, tăng chiết khấu cho người mua để những người có nhu cầu ở thực mua được nhà với giá mềm hơn.
Căn hộ “đất vàng” Thủ Thiêm giảm giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam – cho biết giá thị trường bất động sản ở TP.HCM vẫn neo cao do ngay từ khâu mặt bằng, pháp lý, nguyên vật liệu tăng và nguồn cung ra thị trường cũng hạn chế. Ngay cả đối với những căn hộ cao cấp đã được chào bán mức giá 400-500 tỉ đồng/căn, theo ông Kiệt, đến nay vẫn neo ở mức giá này và không có dấu hiệu giảm giá khi hướng đến phân khúc cao cấp.
Tuy vậy, ông Kiệt cho hay thị trường vẫn có một số dự án giảm giá khi mới đây một dự án tại khu “đất vàng” Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đã bất ngờ hạ giá.
Cụ thể, ông Kiệt cho biết với những dự án cùng vị trí, chủ đầu tư mở bán trước đây đưa ra mức giá 8.000-10.000 USD/m², thậm chí có dự án ngay trong khu này cũng mới chào bán giá 14.000 USD/m². Tuy nhiên, có dự án nằm ở vị trí đắc địa tại khu này nhưng trong đợt mở bán vào cuối tuần trước chỉ chào bán với giá từ 5.600-7.000 USD/m².
“Điều này cho thấy có những chủ đầu tư đã chấp nhận điều chỉnh lợi nhuận để triển khai thành công, chấp nhận giảm giá để bán được hàng”, ông Kiệt nói.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM thừa nhận rằng giá đất bây giờ có sự chênh lệch quá cao so với thực tế. Vị giám đốc này dẫn chứng có những dự án ở Đồng Nai, Hưng Yên giá lên đến 100-150 triệu đồng/m² trong khi so với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM thì giá đó quá khập khiễng.
Theo vị này, hiện giá bất động sản ở các đô thị lớn như TP.HCM vẫn neo ở mức cao, nếu giảm giá người dân có thể đổ dòng tiền vào mua nhưng điều này rất khó cho doanh nghiệp. “Có những mức giá đất đẩy quá cao, người ta nhìn vào đó để làm “thước đo”. Giờ áp với thực tế để thay đổi giá bán theo chiều hướng giảm, các doanh nghiệp có thể sẽ không đưa ra cụ thể mức giảm, mà giảm có kỹ thuật, tức là thay thế bằng những ưu đãi hoặc những tính toán khác”, vị này nói.
Doanh nghiệp kể khó khăn lên đến… 10 trang giấy
Theo vị giám đốc doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM, nguyên nhân của việc bất động sản vẫn neo mức cao có một phần do vướng thủ tục pháp lý, vướng giấy tờ… rất cần Nhà nước giải quyết.
Theo doanh nghiệp này, sau cuộc gặp gỡ của phó thủ tướng với doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM giữa tháng 11 để tháo gỡ vướng mắc, tổ điều hành được lập ra và yêu cầu doanh nghiệp khó khăn cần tháo gỡ phải điền thông tin theo mẫu báo cáo. Chỉ trong một ngày, có đến 145 doanh nghiệp nộp hồ sơ theo mẫu, mỗi doanh nghiệp có hồ sơ lên đến 10 trang giấy.
“Nhà nước cần tháo gỡ sớm vướng thủ tục pháp lý, để có nhiều dự án thực thi, dàn trải đầy đủ đáp ứng giải quyết nhu cầu có thực ngày càng tăng của người dân. Khi đó doanh nghiệp bớt đẩy giá, giá trị thực sẽ về đúng như ban đầu”, vị này nói.
Tuổi trẻ