Chủ động ‘hút tiền’ để ngăn đầu cơ tỷ giá

(KTSG Online) – Động thái bán tín phiếu nhằm “hút tiền” của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở là bước đi mới, nhằm ứng phó với biến động của tỷ giá đang ở trên đà tăng, theo chuyên gia phân tích. Thị trường mở có diễn biến mới…

Fatz Admin lúc 2024-03-13

(KTSG Online) – Động thái bán tín phiếu nhằm “hút tiền” của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở là bước đi mới, nhằm ứng phó với biến động của tỷ giá đang ở trên đà tăng, theo chuyên gia phân tích.

Thị trường mở có diễn biến mới sau thời gian trầm lắng từ tháng 11 năm ngoái. Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái mới đáng chú ý khi phát hành 15.000 tỉ đồng tín phiếu ngày 11-3 vừa qua, với lãi suất 1,4%, kỳ hạn 28 ngày. Tính từ tháng 11 năm ngoái, đây là lần đầu tiên thị trường mở có giao dịch với khối lượng lớn như vậy.

Lần đây gần nhất là trong tháng 2, NHNN đã bơm ròng 5.091 tỉ và 946 tỉ đồng trên thị trường mở với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%. Khối lượng trúng thầu tương đối thấp và chỉ diễn ra trong 2 phiên. Trước đó nữa, khối lượng hồi đầu tháng 1 cũng chỉ khoảng loanh quanh mức 4.000-6.000 tỉ đồng, đáo hạn ngay trong tháng.

QUẢNG CÁO

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), đánh giá đây là động thái đón đầu nhằm hạ áp lực tỷ giá trong những ngày gần đây, trước khi đà tăng tỷ giá kéo thêm dòng tiền đầu cơ trên thị trường.

“Việc bán tín phiếu sẽ giảm cung tiền đồng trên hệ thống ngân hàng, tăng lãi suất tiền đồng và giảm chênh lệch với lãi suất đô la Mỹ, từ đó giảm đầu cơ đô la”, ông Lâm đánh giá.

Tương tự, theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nói rằng chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la ngày càng rộng hơn sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, khiến cho cơ quan quản lý có động thái nhằm giảm kỳ vọng đầu cơ vào tỷ giá của các nhà băng.

Diễn biến thị trường liên ngân hàng cho thấy lãi suất tiền đồng ở giai đoạn đó khoảng 4%, thì nay về quanh mức 1,5-2%/năm.

Diễn biến thị trường mở từ đầu tháng 9 năm ngoái đến nay. NHNN bắt đầu có động thái mới khi bán tín phiếu “hút” 15.000 tỉ đồng vào phiên 11-3. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Động thái mới trên thị trường mở của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ khiến nhiều bên liên quan nhớ lại bối cảnh tương tự vào tháng 9 năm ngoái, NHNN cũng đã có can thiệp tương tự. Tuy nhiên, bức tranh thị trường hiện nay cũng có những điểm khác biệt.

Thứ nhất là sự khác biệt khi NHNN chủ động can thiệp sớm. Theo MSVN, ở thời điểm tháng 9 năm ngoái, khi NHNN bắt đầu can thiệp trên thị trường mở, tiền đồng đã mất giá 3,1% (so với cuối năm 2022), trong khi ở thời điểm này chỉ mới khoảng 1,7% (theo tỷ giá Vietcombank).

Mặt khác, theo ông Huân, điểm khác biệt lần này còn đến từ sức ép của giá vàng tăng nhanh. Tỷ giá trên thị trường phi chính thức thậm chí còn tăng nhanh hơn tỷ giá chính thức ở thị trường liên ngân hàng. Điều này cho thấy dấu hiệu ảnh hưởng của giá vàng, khi hai thị trường này vốn liên thông với nhau.

Trong khi đó, hệ thống thanh khoản ngân hàng vẫn đang dồi dào cũng là một điểm khác biệt trên thị trường hiện nay. Đầu năm 2023, thị trường liên ngân hàng biến động lớn khi thanh khoản gặp khó sau sự cố Ngân hàng SCB vào quí 4-2022.

Thêm vào đó, đầu năm 2024, thị trường tương đối trầm lắng cũng là điểm khác biệt. Thống kê cũng cho thấy doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có tăng trong tháng 1 chủ yếu vì nhu cầu dịp lễ tết. Thị trường mở cũng có diễn biến tương tự.

“NHNN theo đó vẫn duy trì chào thầu trên thị trường mở nhưng không có ngân hàng nào cần tới nguồn hỗ trợ này. Đây là trường hợp tương đối khác biệt khi các năm trước NHNN thường phải bơm ròng hàng chục nghìn tỉ đồng để hỗ trợ thanh khoản”, báo cáo của Công ty chứng khoán KBSV hồi cuối tháng 2 nêu lên.

Theo các nhà phân tích, hiện thanh khoản vẫn là dư thừa, chưa tác động lớn đến hệ thống ngay cả khi NHNN can thiệp vào thị trường mở bằng cách bán tín phiếu, tức “hút” tiền về.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán VCBS mới đây, thanh khoản vẫn ở trong tình trạng ổn định, dù lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm về mức thấp như giai đoạn cuối tháng 1, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực tỷ giá và NHNN bắt đầu bán tín phiếu.

“Việc phát hành tín phiếu của NHNN sẽ không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, báo cáo của VCBS nhận định.

Trong khi đó, ông Lâm của MSVN đánh giá việc bán tín phiếu không phải là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ thay đổi. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào và biến động lãi suất thị trường liên ngân hàng có ít tác động đến lãi suất thị trường một (tức thị trường huy động từ dân cư).

Thông tin về việc can thiệp vào thị trường mở đang là mối lo trên thị trường chứng khoán. Nhưng các nhà phân tích cho rằng lo ngại về đảo chiều chính sách tiền tệ thêm lần nữa là không có cơ sở.

Lý do là tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức thấp. Trong khi đó NHNN vẫn đang phát đi tín hiệu nhất quán về việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tối đa khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.

Trên thực tế, bước đi mới này không nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích. Một số báo cáo về thị trường tiền tệ gần đây bình luận rằng hoạt động thị trường mở sẽ có nhộn nhịp hơn khi áp lực tỷ giá đang gia tăng.

Nhìn lại năm 2023, thị trường mở ghi nhận hai đợt giao dịch biến động mạnh, đi cùng khối lượng lớn và trong thời gian khá dài. Một lần là trong 4 tháng đầu năm, còn đợt thứ 2 bắt đầu từ tháng 9 kéo dài cho đến tháng 11.

Do đó, câu hỏi cụ thể hơn ở đây là NHNN sẽ can thiệp tới bao giờ và với khối lượng như thế nào. Điều này còn phụ thuộc vào đà tăng của tỷ giá.

Hiện các yếu tố ảnh hưởng tỷ giá được cho là đến từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất ở mức cao, căng thẳng địa chính trị thế giới, nhu cầu xuất nhập khẩu trong nước gia tăng và giá vàng, bitcoin lập đỉnh lịch sử.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.