Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed

Theo CEO WiGroup, lạm phát sẽ là động lực lớn để NHNN duy trì lãi suất ở mức cao và chúng ta không thể kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam sẽ giảm trong cuối năm 2023, mà có thể sẽ kéo dài đến năm 2024. Fed tiếp tục “diều…

Fatz Admin lúc 2022-11-07

Theo CEO WiGroup, lạm phát sẽ là động lực lớn để NHNN duy trì lãi suất ở mức cao và chúng ta không thể kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam sẽ giảm trong cuối năm 2023, mà có thể sẽ kéo dài đến năm 2024.

Fed tiếp tục “diều hâu”

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Theo các chuyên gia, điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed - Ảnh 1.

Trong thời gian tới, Fed sẽ tập trung vào ba yếu tố chính đó là: sẽ tiếp tục diều hâu; nhưng tốc độ tăng lãi suất chậm lại; và thời gian duy trì lâu hơn

QUẢNG CÁO

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng, Việt Nam đang có những chuyển biến khá tiêu cực trên nhiều kênh, vì vậy cần phải phân tích cả diễn biến bên ngoài và bên trong. Với phát biểu vừa rồi, Fed tập trung vào ba yếu tố chính đó là: sẽ tiếp tục diều hâu; tốc độ tăng lãi suất chậm lại; và thời gian duy trì lâu hơn. Điều này cũng khá phù hợp bởi so với các dữ liệu tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Có thể cuối năm 2023, đầu 2024 thì dịch chuyển lãi suất của Fed mới bắt đầu thay đổi, vậy tại sao họ muốn duy trì nên lãi suất ở mặt bằng cao hơn kỳ vọng thị trường? Ông Báu đánh giá, các thành viên của FOMC cũng cho rằng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục duy trì ở mức từ 5 – 5,25% trong một năm tới, cao hơn mức hiện tại khoảng 1,5%. Hiện tại lãi suất của Fed là 4% và kỳ vọng tăng là 1,5% và mức 1,5 này sẽ chạy đều cho cả năm 2023, thì khả năng cao cho những lần tăng tới sẽ chỉ từ 0,25 – 0,5%. Như vậy, họ sẽ duy trì một nền lãi suất cao với số lần tăng nhiều hơn và mỗi lần tăng ít đi, điều này giúp không tạo ra cú sốc mà vẫn đảm bảo duy trì dài hơi.

“Nhưng về lạm phát, đến năm 2024, con số vẫn chưa thể về mức kỳ vọng 2% bởi vì đâu đó áp lực sẽ nhiều hơn. Theo cá nhân tôi khi xét trên vận động cơ học, thứ nhất, chỉ số lạm phát của Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ giảm. Thứ hai là với tăng trưởng kinh tế, vừa rồi có giai đoạn tăng trưởng so với cùng kỳ quý rất mạnh, vì thế Mỹ gần như đã tạm thời thoát khỏi “bóng ma” suy thoái kinh tế.

Mức tăng trưởng dương này dù yếu hơn những giai đoạn phát triển trước khi Covid-19 diễn ra, nhưng cũng thể hiện nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt và quý 4 này sẽ là thời điểm tương đối thách thức với Mỹ vì quý 4 năm ngoái quốc gia này đạt mức tăng trưởng khá mạnh. Hiện tại kinh tế Mỹ chưa phải quá khó khăn nhưng lạm phát sang năm mới bắt đầu thẩm thấu, nền kinh tế nước này có thể sẽ phản ứng tiêu cực hơn. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng năm 2023 Fed sẽ vẫn duy trì mức lãi suất cao”, ông Trần Ngọc Báu dự báo.

Tác động đến Việt Nam

Đối với Việt Nam, vị CEO phân tích, có thể lãi suất qua đêm ở Việt Nam sẽ phải tịnh tiến dần tới mức 7-8%, hiện tại đang duy trì ở mức từ 6-7% và các lãi suất điều hành đang ở mức 4,5 -6 %. Nhưng điểm đáng chú ý là đang có hiện tượng cơ chế điều hành bị lệch.

Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed - Ảnh 2.

Việt Nam phải duy trì khoảng cách lãi suất dương với lại suất của Mỹ, thì dòng tiền mới không bị hút ra ngoài, nên trong thời gian tới, Fed tiếp tục tăng lãi suất thì khoảng này còn rất mỏng và chúng ta phải tiếp tục tăng theo (ảnh: Quốc Tuấn)

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang gặp khó khi cho lãi suất trần bằng sàn với khoảng cách từ 0,5-1%, mà bình thường con số này là khoảng 3% và gần như số dư bơm hút ròng trên thị trường mở liên tục diễn ra. Đồng nghĩa với việc thị trường tiền tệ Việt Nam đang bất cập và sẽ phải điều chỉnh lại, vì thế dù không muốn tăng lãi suất nhưng từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn phải có một đợt tăng lãi suất nữa khoảng 0,5 – 1% để đưa chính sách lãi suất về bình thường, tránh sự rối ren trong hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng phải duy trì ở mức 6,5 – 8%, do đó lãi suất chính sách có thể phải nhấc lên để bớt gây áp lực lên vấn đề tỷ giá.

Đối với thị trường 2, áp lực tăng chỉ khoảng 0,5 – 1% hoặc xấu nhất là 1,5 – 2%. Bản thân NHNN sẽ duy trì tốc độ tăng lãi suất điều hành trong những tháng tới chậm hơn, có thể cuối tháng 11 này hoặc tháng 12, chúng ta mới chứng kiến một đợt tăng lãi suất nữa, còn hiện tại chưa đến lúc phải tăng lãi suất, bởi vì tỷ giá đã bớt áp lực hơn khi lãi suất tăng dồn dập trong thời gian vừa qua, nhưng nền kinh tế thì không thể hấp thụ nổi.

“Đặc biệt, chúng ta phải duy trì khoảng cách lãi suất dương với lại suất của Mỹ thì dòng tiền mới không bị hút ra ngoài, nên trong thời gian tới, Fed tiếp tục tăng lãi suất, khoảng này sẽ còn rất mỏng và chúng ta phải tiếp tục tăng theo. Tuy nhiên áp lực và tốc độ ngắn hạn không còn như trước nữa mà áp lực từ bên trong mới thực sự gây khó khăn cho NHNN trong thời điểm hiện tại.

Cách đây 3-4 tháng, mọi người nói nhiều về Fed, về toàn cầu,… nhưng hiện nay đã phải quay ngược trở lại là bối cảnh của chúng ta đang có khủng hoảng, thậm chí có thể có một cuộc khủng hoảng kép cả trong và ngoài tác động với các vấn đề của hệ thống ngân hàng, hệ thống trái phiếu”, vị CEO cảnh báo.

Riêng về câu chuyện lạm phát, ông Báu lý giải, lạm phát năm nay áp lực lớn vào tháng 9, tháng 10, do hai tháng này bị biến động bởi yếu tố giáo dục và giá vật liệu xây dựng. Quý 3 năm ngoái, giá và liệu xây dựng và giá nhà giảm tương đối mạnh, nhưng năm nay, giá cho thuê nhà tăng cao, tại TP Hồ Chí Minh, mặt bằng chung giá thuê nhà tăng khoảng 10%, còn ở Hà Nội giá dịu hơn một chút những cũng ở khoảng 7%.

Với việc lãi suất tăng, lạm phát tăng và nền kinh tế chưa bị thẩm thấu quá nhiều bởi suy giảm tăng trưởng, nghĩa là chúng ta chưa cảm thấy bị “nghèo” đi quá nhiều, nhưng các chủ cho thuê nhà cảm thấy các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn so với thuê nhà, nên họ sẽ tăng giá. Do đó, khả năng cao quý 4 này, mặc dù tốc độ tăng giá cho thuê nhà chậm lại nhưng xu hướng của nó vẫn là tăng cho đến cuối năm nay trước khi giá nhà giảm mạnh.

Yêu tố thứ hai là về giá giáo dục, chúng ta đã chứng kiến giai đoạn tăng chi phí giáo dục mạnh nhất mọi thời đại và từ giờ đến cuối năm, chỉ số giáo dục vẫn còn áp lực nhưng không tăng nữa mà sẽ đi ngang.

Tiếp theo là về giá xăng dầu cũng sẽ đi ngang, trong ba lần điều chỉnh vừa qua, giá xăng đã tăng nhẹ mỗi lần một chút và chi phí về giao thông cũng bắt đầu đi ngang mà không thể giảm được nữa.

“Như vậy để thấy, những yếu tố xấu nhất trong CPI của năm 2022 đã phản ánh vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11 và dù có phản ánh hết cỡ thì CPI tổng sẽ vẫn duy trì dưới 4% theo mục tiêu của Chính phủ, nhưng năm sau sẽ có nhiều chỉ số trọng yếu tạo nền mới cho cả năm. Ví dụ giá giáo dục, giá vật liệu xây dựng, giá nhà ở,… sẽ duy trì ở mặt bằng này cả năm, thậm chí còn tăng lên khi Trung Quốc mở cửa, hoặc thị trường bất động sản có những kích thích phục hồi, dẫn đến giá cả dịch vụ hàng hóa năm nay sẽ phản ánh vào cả năm sau.

Từ đó, lạm phát sẽ là động lực rất lớn để NHNN tiếp tục duy trì mức lãi suất ở mức cao và chúng ta không thể kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam sẽ giảm trong cuối năm 2023, mà có thể sẽ duy trì đến năm 2024, nghĩa là chu kỳ tăng lãi suất của Việt Nam cũng kéo dài hơn và có thể kéo dài cả năm tính từ thời điểm hiện tại”, CEO WiGroup nhận định.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x