Chính phủ sẽ trình Quốc hội hai phương án giải cứu 8 dự án BOT

(KTSG Online) – Chính phủ đồng ý với hai giải pháp của Bộ GTVT về hướng tháo gỡ khó khăn cho 8 dự án BOT đã được đặt lên bàn Chính phủ lâu nay. Chính phủ cũng đồng ý những vấn đề liên quan đến việc dùng ngân sách để…

Fatz Admin lúc 2023-10-23

(KTSG Online) – Chính phủ đồng ý với hai giải pháp của Bộ GTVT về hướng tháo gỡ khó khăn cho 8 dự án BOT đã được đặt lên bàn Chính phủ lâu nay. Chính phủ cũng đồng ý những vấn đề liên quan đến việc dùng ngân sách để “cứu” dự án nào thì Bộ GTVT chuẩn bị hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cách đây hơn 1 tuần về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT với sự tham dự đầy đủ của các bộ, ngành. Đây là 8 dự án mà Bộ GTVT mất nhiều năm nghiên cứu giải pháp, tìm lối ra để khơi mở lại các dự án BOT ngưng trệ trong nhiều năm gần đây.

BOT Thái Nguyên-Chợ Mới được đề nghị dùng ngân sách nhà nước mua lại. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến từ các bộ ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận: “Việc sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập tại các dự án BOT là cần thiết để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư”. Đồng thời, đây là cách khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn lực xã hội tham gia các dự án PPP trong giai đoạn tới, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế.

QUẢNG CÁO

Về nguyên tắc, việc xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT phải bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tuân thủ hợp đồng đã ký kết và đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các địa phương, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT giao thông; đã đề xuất nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, bất cập đối với các dự án BOT giao thông nói chung và giải pháp cụ thể xử lý đối với 08 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý theo 02 phương án.

Theo đó: (1) bổ sung vốn nhà nước tham gia để tiếp tục thực hiện hợp đồng; (2) chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư.

Như vậy về cơ bản các bộ ngành và Chính phủ  thống nhất với nguyên tắc, giải pháp xử lý như đề xuất của Bộ GTVT. Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan sẽ xác định rõ những vấn đề tồn tại, bất cập do pháp luật và những vấn đề liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, rà soát kỹ Hợp đồng để xác định những vấn đề ngoài phạm vi Hợp đồng hoặc vấn đề thay đổi so với Hợp đồng đã ký, từ đó xác định rõ trách nhiệm các bên (bao gồm trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp,…).

Bộ GTVT cũng trực tiếp trao đổi với các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng…) để có giải pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Đối với các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, từng dự án phải rà soát, xem xét đầy đủ các phương án xử lý; quá trình đề xuất và thực hiện giải pháp không được để xảy ra thiếu minh bạch, thiếu khách quan làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước (thực hiện kiểm toán độc lập và kiến nghị cấp có thẩm quyền giao/đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để xác định đúng giá trị theo quy định trước khi thanh toán cho nhà đầu tư).

Về việc xác định và chỉ rõ thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật (Luật PPP, Luật Ngân sách, Luật đầu tư công…) để quyết định các cơ chế, chính sách xử tồn tại, bất cập của từng dự án, trường  hợp thẩm quyền của Bộ GTVT người đứng đầu chịu trách nhiệm xử lý. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ,Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội thì báo cáo đúng cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Như vậy, con đường gian nan giải cứu 8 dự án BOT nằm chờ nhiều năm nay đang dần đi đến lối ra.

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.