(Chinhphu.vn) – Giải trình trong phiên toàn thể tại hội trường Quốc hội (chiều 6/7) về chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, từ năm 2017 đến năm 2023, tỉ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định bảo đảm từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.
“Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỉ lệ rất thấp cho hoạt động này”, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và được lồng ghép thêm hai vấn đề cốt lõi là khoa học, công nghệ mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Xuất phát từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứ trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với TPHCM, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.
Hiện nay, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã được xây dựng, hình thành với 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới.
“Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Minh Ngọc