Chặng đường mới phát triển TPHCM: Cần cách tiếp cận mạnh mẽ hơn

(Chinhphu.vn) – Đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn về vị thế kinh tế của TPHCM với tầm vóc, quy mô và mức lan tỏa mới trong bối cảnh mới. TPHCM luôn là nơi đáng đến làm ăn, sinh sống của người dân Việt Nam…

Fatz Admin lúc 2024-05-01

(Chinhphu.vn) – Đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn về vị thế kinh tế của TPHCM với tầm vóc, quy mô và mức lan tỏa mới trong bối cảnh mới.

Chặng đường mới phát triển TPHCM: Cần cách tiếp cận mạnh mẽ hơn- Ảnh 1.

TPHCM luôn là nơi đáng đến làm ăn, sinh sống của người dân Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài – Ảnh: VGP

Nhận diện vị thế

Trong 49 năm phát triển (kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975) của TPHCM, có thể chia ra thành các giai đoạn: Giai đoạn hồi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh (1976 – 1985); Giai đoạn bắt đầu đổi mới (1986 – 1995); Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996 – 2010); Giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 – 2020) và Chặng đường phát triển mới của kinh tế Thành phố (2021 trở đi).

Cùng với cả nước, trong từng giai đoạn phát triển, TPHCM luôn khẳng định vị trí đầu tàu không chỉ về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng đóng góp vào GDP và ngân sách nhà nước, về thực hiện an sinh xã hội, mà quan trọng hơn, Thành phố đã đi đầu trong đổi mới tư duy kinh tế, tìm tòi, đột phá, tạo ra các động lực mới để phát triển.

TPHCM là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước hình thành “liên kết vùng”. Trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, TPHCM cùng với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành vùng tam giác phát triển kinh tế năng động của cả nước. Tiếp đến từ cuối thập kỷ 1990, TPHCM trở thành trung tâm của tứ giác phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và trở thành trung tâm kết nối và phát triển của cả Vùng kinh tế Động lực – Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN).

Giai đoạn 2011 – 2020, GRDP của TPHCM tăng trung bình đạt 6,86%/năm; năm 2020, quy mô kinh tế của Thành phố chiếm hơn 25,79% và mật độ kinh tế gấp hơn 41,49 lần so với cả nước.

Kinh tế của Thành phố đạt được mức tăng trưởng cao giai đoạn 2016 – 2019, tuy nhiên từ năm 2020 trở đi, do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19, tăng trưởng của Thành phố đã giảm sút nghiêm trọng trong 2 năm 2020 – 2021, và sau đó có sự phục hồi khá ấn tượng nhưng chưa như kỳ vọng.

Quý I/2024, kinh tế TPHCM tiếp tục có những tín hiệu khả quan. Theo đó GRDP ước đạt 6,54% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 2/6 các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục được phục hồi, tăng 5,66%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,5%; doanh thu du lịch tăng 23,8%; đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm, giải ngân gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Năm Tăng trưởng kinh tế TPHCM (% GRDP) Tăng trưởng kinh tế Việt Nam (% GRDP)
2016 8,05 6,21
2017 8,25 6,81
2018 8,30 7,08
2019 8,32 7,02
2020 1,39 2,91
2021 – 6,78 2,58
2022 9,03 8,02
2023 5,81 5,05

Tăng trưởng kinh tế TPHCM và cả nước giai đoạn 2016 – 2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam)

Kết quả trên cho thấy, kinh tế TPHCM vẫn giữ được vị thế quan trọng, có đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐPN và cả nước.

Cụ thể, Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước đối với hàng loạt chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong năm 2023: GRDP chiếm 15,5% GDP của cả nước; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 20%; thu hút FDI đạt 5,85 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022…

Tính đến 31/12/2022, có 274.067 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, chiếm 30,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về mật độ doanh nghiệp với 29,2 doanh nghiệp/1.000 dân. Năm 2023, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, song cũng đã có 53.164 doanh nghiệp mới được thành lập. Đây là điểm sáng, chứng tỏ môi trường đầu tư của Thành phố ngày càng được cải thiện.

Đặc biệt, sức hút của TPHCM còn thể hiện ở việc Thành phố luôn là nơi đáng đến làm ăn, sinh sống của người dân Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI), thì TPHCM là địa phương được người dân cả nước lựa chọn đến sinh sống nhiều nhất (21,68%) với lý do đoàn tụ gia đình (35,4%) và có việc làm tốt hơn (35,1%) chiếm tỉ trọng nhiều nhất.

Có thể nói, TPHCM vẫn tiếp tục duy trì được lợi thế, là nơi hội tụ, khởi nghiệp và thăng tiến mà các doanh nghiệp và người dân lựa chọn.

Chặng đường mới phát triển TPHCM: Cần cách tiếp cận mạnh mẽ hơn- Ảnh 2.

Mục tiêu của TPHCM đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ…

Vị thế “đầu tàu” cần được phát triển ở một tầm vóc mới

Danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”, hay vị thế “đầu tàu” kinh tế của TPHCM đã được thực tế khẳng định, song theo quan điểm phát triển, các danh hiệu và vị thế này phải được kế thừa và phát triển ở một tầm vóc mới trong bối cảnh mới.

Những năm gần đây, khá nhiều quan ngại của các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân về sự “tụt hậu” của kinh tế TPHCM so với các địa phương khác trong vùng và cả nước, cả về tỉ trọng đóng góp trong GDP cũng như ngân sách nhà nước của Thành phố cho cả nước đã giảm dần so với 20, 30 năm trước…

Đứng trên quan điểm phát triển, sự vươn lên của các địa phương khác và sự gia tăng tỉ trọng đóng góp của các địa phương này vào GDP hay ngân sách nhà nước là điều đáng mừng và là xu thế phù hơp. Đây cũng là mong muốn của tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước trong nỗ lực chung vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh”. Do vậy, với TPHCM, để khẳng định vị thế và gia tăng sự đóng góp cho cả nước, cần có cách tiếp cận mới trong tư duy và mô hình tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

  • Chuyển hướng và tạo động lực mới cho nền kinh tế TPHCM phát triển theo hướng xanh, bền vững

  • Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Kinh tế TPHCM đã lấy lại đà tăng trưởng

  • Kinh tế TPHCM: Phục hồi tăng trưởng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Định hướng phát triển của TPHCM đến năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI xác định là trở thành “trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ, và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số”.

Trong khi đó, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: “Mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”.

Đây thực sự là mục tiêu mới cho giai đoạn phát triển mới của kinh tế Thành phố, theo đó, định vị và vị thế của Thành phố được đặt trong khu vực Đông Nam Á và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chặng đường mới phát triển TPHCM: Cần cách tiếp cận mạnh mẽ hơn- Ảnh 3.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Thành phố đón nhận và triển khai quyết liệt, tạo sinh khí mới cho phát triển kinh tế – Ảnh: VGP

Giải pháp cơ bản

Bài toán then chốt để TPHCM đạt được mục tiêu trên, suy đến cùng vẫn là huy động và phân bổ nguồn lực có hiệu quả. Có nhiều “biến số” để giải được bài toán này, song cần có những giải pháp cơ bản mang tính đột phá.

Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo phải là động lực của nền kinh tế TPHCM trong thời gian tới, qua đó phát huy vai trò tiên phong, lan tỏa của Thành phố trong việc “đón đầu” các ngành công nghiệp mới.

TIN LIÊN QUAN

  • Hồi ức 30 tháng 4: Những câu chuyện của Hòa bình

    Hồi ức 30 tháng 4: Những câu chuyện của Hòa bình

  • Kiều bào đóng góp nguồn lực quan trọng để chung tay xây dựng và phát triển TPHCM

    Kiều bào đóng góp nguồn lực quan trọng để chung tay xây dựng và phát triển TPHCM

Thứ hai, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu của Thành phố phải đặt trong tổng thể vùng Đông Nam Bộ và Vùng KTTĐPN nhằm kết nối, phối hợp sử dụng các nguồn lực của toàn vùng. TPHCM cần phối hợp với các địa phương, chuyển mạnh từ tư duy kiến tạo phát triển địa phương sang kiến tạo phát triển vùng kinh tế – xã hội Đông Nam Bộ.

Theo đó, cần hoàn thiện Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; rà soát và có cơ chế phối hợp vùng trong việc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng và quốc gia, đặc biệt, làm rõ hiệu quả và tính bền vững của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Cần Giờ TPHCM.

Có lộ trình “chuyển giao” các ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp giày da,… sang các địa phương khác, đồng thời tập trung phát triển kinh tế số, các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp thời trang hiện đại, gắn với trung tâm dịch vụ, tài chính phát triển của cả nước và khu vực châu Á.

Thứ ba, khu vực dịch vụ – du lịch là thế mạnh to lớn của Thành phố, lĩnh vực còn rất nhiều dư địa để phát triển. Gần đây, Thành phố đã có khá nhiều chủ trương để phát triển khu vực này như: Quy hoạch phát triển hệ thống sông Sài Gòn gắn với “kinh tế xanh” và phát triển du lịch; phát triển kinh tế đêm; nhiều biện pháp kích cầu du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch; đa dạng hóa các địa điểm vui chơi, tổ chức liên hoan phim quốc tế…

Các nỗ lực trên thể hiện sự tìm tòi, đổi mới của Thành phố, song cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, tạo điểm nhấn, “đặc sản” riêng có của TPHCM trong chặng đường phát triển mới.

Thứ tư, ổn định và cải thiện môi trường kinh doanh, nơi có gần 1/3 số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động là hết sức quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến lao động nhập cư, tạo điều kiện “sinh kế” cho người dân, cải thiện an sinh xã hội,… không chỉ tăng thêm sức hấp dẫn của Thành phố, mà còn tạo động lực tích cực để các doanh nghiệp, người dân đóng góp vào sự phát triển kinh tế Thành phố.

Thứ năm, để có được động lực mới cho kinh tế Thành phố, yếu tố thể chế và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được Thành phố đón nhận và triển khai quyết liệt, tạo sinh khí mới cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để Nghị quyết 98 thực sự tạo bước chuyển quan trọng về thể chế thì cần có các giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa TPHCM và các cơ quan chức năng Trung ương, giữa Thành phố và các địa phương, trước hết là vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù, thống nhất cho toàn vùng Đông Nam Bộ để có sự phối hợp, sử dụng nguồn lực hiệu quả trong toàn vùng, đồng thời phát huy vai trò “hạt nhân”, “kết nối” của TPHCM.

Năng lực chủ động, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý cần được phát huy trong thực tiễn, đây chính là bản lĩnh của đội ngũ cán bộ quản lý trong bối cảnh mới và chặng đường mới phát triển của Thành phố.

49 năm ngày ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp TPHCM nhìn lại hành trình phát triển kinh tế với những đóng góp to lớn cho cả nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn chặng đường mới phát triển kinh tế của Thành phố. Đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới, mạnh mẽ hơn về vị thế kinh tế của Thành phố với tầm vóc mới, quy mô và mức lan tỏa mới trong bối cảnh mới.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.