(KTSG Online) – Không gian phát triển giao thông của Đông Nam bộ sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải cạnh tranh được với hệ thống cảng biển trong khu vực. Khu vực quy hoạch cảng trung chuyển…
(KTSG Online) – Không gian phát triển giao thông của Đông Nam bộ sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải cạnh tranh được với hệ thống cảng biển trong khu vực.
Đây là một trong những ý kiến được đưa ra trong thông báo số 154/TB-VPCP về Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 10-4.
Theo Chính phủ, vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước với hạt nhân là TPHCM- trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và đầu mối giao lưu và hội nhập quốc. Đây là vùng tập trung nguồn lực lớn nhất và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn mới.
Vì thế, Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương có liên quan làm rõ hơn nữa vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Đông Nam bộ đối với quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng. Cùng với đó là xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế phát triển trong thời gian qua để có những chính sách đột phá.
Theo Chính phủ, vùng Đông Nam bộ cần quy hoạch theo các không gian như giao thông, văn hoá, các dòng sông, phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng lưu ý đến không giao phát triển giao thông cần hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, tầm nhìn xa và đưa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành một cảng biển quốc tế có thể cạnh tranh lành mạnh với các cảng biển trong khu vực và ASEAN.
Liên quan đến quy hoạch tổng thể, Chính phủ cũng đề xuất làm rõ thêm cơ cấu phát triển của 2 hành lang xanh – sinh thái gắn với lưu vực sông, vùng động lực quốc gia với TPHCM là cực tăng trưởng.
Bên cạnh đó là nghiên cứu và làm rõ thêm vị trí và vai trò động lực của đô thị sân bay Long Thành để cùng các đô thị Nhơn Trạch, TPHCM, thành phố Vũng Tàu thành cụm đô thị cửa ngõ của vùng kết nối quốc tế cả về đường không và đường biển.
Theo Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đề án đặt ra mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TPHCM và khu vực. Qua đó, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng, do Tập đoàn MSC, hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.
Về vị trí, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 570 ha, bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… khoảng 470 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng hơn 100 ha.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (đơn vị quy đổi, 1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 – bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Kinh tế Sài Gòn Online