Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội…
Theo thông tin tại Hội thảo, 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu lượt khách nội địa; góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao, lên đến gần 80%.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Các hãng hàng không và các địa phương đã xây dựng những giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa. Trong đó, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá hấp dẫn. Vietnam Airlines đã xây dựng cơ chế hợp tác với ngành du lịch địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hướng tới khách du lịch nội địa ngay trong cao điểm hè này.
Quang cảnh Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, du lịch và hàng không giống như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế. Ngành hàng không tăng trưởng thúc đẩy phát triển du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không, từ việc hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, hiện nay, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không – du lịch được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, từ sau thời điểm hoạt động bình thường trở lại (tháng 3-2022), với những giải pháp và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hãng hàng không Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi hoạt động khai thác. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại chưa giải quyết hết vẫn là rào cản lớn khiến các hãng hàng không Việt Nam chưa thể phục hồi trạng thái như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Cùng với đó, những tác động từ chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô đội máy bay là nguyên nhân chính đã gây ra những áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào những giai đoạn cao điểm.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thị trường hàng không ghi nhận có sự tăng trưởng về sản lượng hành khách vận chuyển, đặc biệt là hàng không quốc tế. Điều này thực sự là một kết quả rất đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy giao thương kết nối cũng như đưa du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại phiên thảo luận của Hội thảo. |
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần có hỗ trợ về chính sách thuế, phí và giá như xem xét miễn thuế nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức quy định. Hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh trong 2 năm cho các hãng hàng không. Bên cạnh đó, hỗ trợ ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá, trợ giá vé máy bay, trợ giá phòng lưu trú…
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.