(Chinhphu.vn) – Các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch để đi tới “đoạn tuyệt” với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Bộ…
Ngày 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Đây là lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị này.
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam), giảm 11%. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 39,7 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản… và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng…, cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng cho thấy, sau đại dịch, tình hình kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc đã có những khởi sắc với những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía bắc với Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, những khó khăn hiện nay trong giao thương với Trung Quốc có thể kể đến như: vấn đề an toàn thực phẩm, khó khăn trong việc việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện nay tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai thì chỉ có cửa khẩu quốc tế đường bộ là được xuất khẩu thì trái cây sang với Trung Quốc. Trong khi đó cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng chỉ vận chuyển được hơn 1.000 tấn hàng hóa trên một ngày và chưa được vận chuyển hoa quả.
Tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ hai nước đẩy nhanh việc ký Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng cầu đường bộ và đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt từ ga đường sắt Lào Cai đến cột đường sắt 1435. Tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt đến cột tiêu chuẩn 1435 từ Hải Phòng, Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt côn minh của Trung Quốc.
Đối với vấn đề tỉnh Lào Cai nêu, bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đã vận động phía Trung Quốc để hoàn thiện các điều kiện và để bổ sung thêm các cặp cửa khẩu để được xuất nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt Trung, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Hường, hiện trong tất cả các quy hoạch về cửa khẩu, chúng ta mới chỉ có thể đảm bảo được 50%, còn lại phụ thuộc vào nước bạn.
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Trao đổi thương mại giữa các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu.
“Hiện chúng ta có hơn 70 cửa khẩu nhưng số cửa khẩu khai thác hiệu quả còn ít. Lượng hàng thông quan sang bên kia biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là của các tỉnh khu vực phía Bắc”, Bộ trưởng nói.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra việc xuất khẩu nông, thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn là theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững. Hạ tầng biên giới còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng thương mại biên giới còn rất thiếu và yếu; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại, thể chế của hai bên còn những điểm khác nhau; hạn chế về việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động ở các cửa khẩu. Các cửa khẩu chính hay cửa khẩu phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống.
Trước tình hình này, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo các cơ quan hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư.
“Cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, một thị trường tiêu thụ lớn cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho các ngành sản xuất để xuất khẩu. Vì vậy, cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và phải kịp thời kiến nghị những giải pháp khắc phục” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Đồng thời, các đơn vị liên quan phải khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi để thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Các Bộ, ngành cần tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật, những cơ chế, chính sách có liên quan đến bộ, ngành mình, có liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc và với khu vực biên giới Trung Quốc. Tăng cường giao thiệp với các đơn vị đồng cấp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi hóa cho thương mại biên giới phát triển.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại thuộc biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Đồng bộ hoá hệ thống giao thông trong các quy hoạch vùng.
Cùng với cái việc quy hoạch, phải xây dựng kế hoạch và dành những nguồn lực, ban hành những cơ chế chính sách của địa phương để có thể thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới như là các chợ, các trung tâm logistics, các kho bãi…
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng đề nghị, các địa phương cần tiếp tục bang giao tốt hơn với Trung Quốc thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, các sự kiện về thương mại, nhất là các hội chợ, triển lãm trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và thương mại biên giới.
Các Bộ, ngành tập trung đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo vùng trung du miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, có khả năng liên vận quốc tế ở khu vực các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá để có thể thu hút đầu tư phát triển các hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.
“Cuối cùng, các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch. Cần hạn chế và đi tới “đoạn tuyệt” với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, đồng thời chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm của các địa phương phía Trung Quốc ở vùng biên mới có thể xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng nói.
Phan Trang