(Chinhphu.vn) – Theo TS. Phan Hữu Thắng-Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cần có một tầm nhìn dài hạn, định hướng rõ hơn để…
Thành công và thất bại
Kể từ ngày 14/09/1999, Nghị định 22/1999/NĐ-CP-Nghị định đầu tiên của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành đến nay đã 24 năm. Thực tế cho thấy, trong 24 năm qua, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam có cả thành công và tồn tại, cũng như thất bại, vì đây là một quá trình phát triển hoàn toàn mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt.
Về thành công, TS. Phan Hữu Thắng dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, lũy kế đến 20/05/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư Việt Nam đã vào gần 20 ngành nghề và đầu tư ở hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chúng ta đã đầu tư vào thị trường rất mới như Tây Ban Nha và thị trường lớn như Hoa Kỳ…
Về hiệu quả, dự án bất động sản lớn bao gồm khách sạn MELIA tại trung tâm Yangon của Myanmar do Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai đầu tư ban đầu được coi như một biểu tượng thành công của đầu tư Việt Nam tại đất nước Chùa Vàng. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác như vực khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông đều tăng trưởng. Doanh nghiệp Việt Nam đã mang được lợi nhuận về nước, xây dựng được thương hiệu ở nước ngoài, đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel).
Trong những năm đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, do các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn nhỏ yếu, nên đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với các dự án có quy mô vốn lớn (như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà …).
Gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những doanh nghiệp định hình được thương hiệu trong khu vực và được thế giới biết đến như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai, Công ty cổ phần GOLF Long Thành (Tập đoàn KN), Vinamilk, NutiFood,…
Tuy nhiên, ông Thắng cũng đề cập đến dự án thất bại, trong đó, có những dự án phải tạm dừng hoạt động nhiều năm, như một số dự án lớn hiện nay phải tạm dừng, chờ đợi sự phục hồi khởi sắc trở lại của môi trường đầu tư-kinh doanh.
Đầu tư ra nước ngoài cần sớm rút ngắn được khoảng cách và cân bằng với tiếp nhận đầu tư
Bàn về giải pháp, TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ, để giảm thiểu thất bại, nhân lên thành công, cần làm rõ nguyên nhân, nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng của đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trên bình diện tổng thể và quốc gia nhận đầu tư. Đồng thời, phải phân tích sâu hệ thống pháp luật, chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, cũng như hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, về thông lệ đầu tư quốc tế.
Từ đó, nhìn ra thuận lợi, chỉ ra khó khăn, tìm được giải pháp hiệu quả cũng như hoàn thiện hơn pháp luật, chính sách về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, giúp nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt đầu tư hiệu quả ở nước ngoài.
24 năm qua, do “sức khỏe” nền kinh tế còn có hạn và kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài đang dần được tích lũy, nên chúng ta phải đi từng bước phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như mối quan hệ quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới ở từng giai đoạn từ năm 1999 đến nay.
Tuy nhiên, trong sự cẩn trọng đó còn có nguyên nhân do hệ thống các văn bản pháp luật về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài chưa hoàn thiện, lại thiếu định hướng cụ thể. Ngoài ra, năng lực đầu tư của doanh nghiệp Việt chưa cao. Theo ông Thắng, đây là những điều khó tránh khỏi.
“Các hạn chế này cần phải được khắc phục. Đầu tư ra nước ngoài cần sớm rút ngắn được khoảng cách và cân bằng với tiếp nhận đầu tư vào Việt Nam, hướng tới xây dựng nền kinh tế tự cường bằng nguồn vốn nội lực kết hợp với sử dụng nguồn vốn đầu tư quốc tế”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Cho rằngcuộc cạnh tranh gay gắt về thương mại luôn gắn chặt với đầu tư, ông Thắng lưu ý khuyến khích các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là tăng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trực tiếp tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy thương mại, liên kết doanh nghiệp, mở rộng quan hệ cộng đồng, ngoại giao nhân dân với bên ngoài. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, tích cực góp phần xây dựng một thế giới hội nhập, bình đẳng, hòa bình, thịnh vượng trên cơ sở gắn kết lợi ích kinh tế giữa các quốc gia, giữa doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 316,4 triệu USD. Trong đó, có 47 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 142,7 triệu USD); có 16 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 173,7 triệu USD).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 15 dự án đầu tư mới và 05 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 147,7 triệu USD, chiếm gần 46,7% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai với hơn 108,5 triệu USD, chiếm 34,3%; tiếp theo là các ngành tài chính ngân hàng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;…
Có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 05 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 01 dự án đầu tư mới và 01 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba,…
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Minh Ngọc