(Chinhphu.vn) – Dự án trạm biến áp (TBA) 220 kV Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và đường dây đấu nối là dự án truyền tải điện cấp bách bảo đảm điện cho KKT Nghí Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn…
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có cuộc họp với Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) và các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Nghi Sơn để tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho dự án cấp bách TBA 220 kV KKT Nghi Sơn và đường dây đấu nối.
Dự án này do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành sau khi hoàn thành, dự kiến vào quý IV/2023.
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng mới TBA 220/110 kV, lắp đặt 2 máy biến áp công suất 250 MVA. Phía 220 kV thiết kế sơ đồ 2 hệ thống thanh cái có máy cắt liên lạc gồm 7 ngăn lộ, phía 110 kV thiết kế sơ đồ 2 hệ thống thanh cái có thanh cái vòng, lắp đặt 14 ngăn lộ.
Phần đường dây đấu nối 220 kV sẽ xây dựng mới đường dây 4 mạch, gồm 12 vị trí cột, tổng chiều dài khoảng 4,1 km, xây dựng đường dây 22 kV, một mạch, dài khoảng 800 m để cấp điện tự dùng cho trạm.
Vị trí TBA 220 kV đặt tại khu đất đồi gần khu công nghiệp Ferocrom thuộc phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đường dây đấu nối 220 kV đi qua địa phận phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Vị trí xây dựng TBA 220 kV Nghị Sơn và hướng tuyến đường dây đấu nối đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thỏa thuận tại văn bản số 12060/UBND-CN ngày 11/9/2019 và văn bản số 7089/UBND-CN ngày 29/10/2021.
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc CPMB cho biết, mục tiêu đầu tư dự án nhằm cung cấp điện cho KKT Nghi Sơn (lọc hóa dầu Nghi Sơn, Liên hợp Gang thép Nghi Sơn), đồng thời nâng cao chất lượng điện năng khu vực và các vùng lân cận, về lâu dài bảo đảm độ dự phòng cho phát triển KKT Nghi Sơn.
Bảo đảm cho lưới điện 220/110 kV khu vực vận hành an toàn và tin cậy trong giai đoạn 2021-2030, từ đó nâng cao độ an toàn, tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và KKT Nghi Sơn nói riêng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn nhiều vướng mắc mặt bằng nên chưa thể thi công phần TBA. Phần đường dây 220 kV đã vận động bàn giao được 5/12 vị trí móng, đang thi công đào đúc móng 5/12 vị trí móng.
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc CPMB, dù gặp nhiều thách thức, nhưng CPMB quyết tâm và đặt ra mục tiêu vận động và thi công cụ thể. Trong đó, thi công phần TBA 220 kV, hiện nay tại vị trí đường vào trạm bị ảnh hưởng bởi rừng tự nhiên: Triển khai thi công theo giải pháp đường tạm phục vụ thi công (đoạn đường thuộc khu vực rừng tự nhiên sẽ được triển khai thi công sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên).
Trong khu vực mặt bằng trạm sẽ tiến hành thi công các khu vực không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 6/2023 (hoàn thành bàn giao mặt bằng khu vực rừng trồng trong tháng 5/2023) và tìm mọi giải pháp và huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đóng điện theo kế hoạch dự kiến tháng 12/2023.
Thi công phần đường dây đấu nối 220 kV, CPMB đặt mục tiêu đúc móng hoàn thành trong tháng 8/2023, triển khai dựng cột hoàn thành trong tháng 9/2023, kéo dây hoàn thành trong tháng 11/2023, chuyển đấu nối và nghiệm thu đóng điện trong tháng 12/2023.
Để bảo đảm tiến độ đóng điện dự án trong tháng 12/2023, CPMB kiến nghị và đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét sớm trình HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng, đất rừng để thực hiện dự án. Trong khi chờ thủ tục pháp lý để trình phê duyệt phương án bồi thường cho phép nhà thầu chi trả tiền tạm ứng cho các hộ dân để nhận mặt bằng thi công.
UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt giá đất cụ thể và hoàn thiện các thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với xác định nguồn gốc đất, tỉnh Thanh Hóa thống nhất xác nhận theo hiện trạng đất rừng. Đối với mật độ cây trồng thống nhất đền bù theo mật độ cây trồng thực tế. Về hỗ trợ hạn chế sử dụng đất thống nhất trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét cho phép hỗ trợ hạn chế sử dụng đất 100%.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, tỉnh cơ bản thống nhất với đề xuất kiến nghị của CPMB và sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Khẳng định đây là dự án quan trọng, cấp bách nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của KKT Nghi Sơn và của tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành, UBND thị xã Nghi Sơn cần vào cuộc quyết liệt để sớm tháo gỡ nhằm hoàn thành dự án trong năm 2023.
CPMB cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương của tỉnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Toàn Thắng