Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức, tích cực hơn trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Năm 2023, các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Song vẫn còn có một số chính sách chưa phù hợp, cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý; các chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều băn khoăn từ phía doanh nghiệp… 

Quang cảnh hội thảo. 

Đơn cử, trong năm 2023, các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy trở thành tâm điểm của sự chú ý. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh việc họ gặp khó khăn khi tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy khiến chi phí tuân thủ tăng cao, nhiều công trình không thể tiếp tục được sử dụng, gây thiệt hại kinh tế lớn.

Ví dụ, riêng về quy định về sơn chống cháy, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình (Quy chuẩn 06) của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng phải có biện pháp bảo vệ các bộ phận cấu kiện có yêu cầu chịu lửa. Trước đây, nhiều công trình sử dụng sơn chống cháy và được chấp nhận như một giải pháp đáp ứng quy chuẩn.

Tuy nhiên, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã có quy định tại Phụ lục VII, mục 5, trong đó yêu cầu “mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy” phải được kiểm định. Điều này tức là, nếu muốn sử dụng sơn chống cháy để bọc bảo vệ các kết cấu chịu lửa, doanh nghiệp phải sơn lên mẫu kết cấu và thử nghiệm mẫu đó. Việc thử nghiệm các mẫu kết cấu này rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Một ví dụ khác được báo cáo đề cập tới là quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, với chỉ gần 300 từ. Với dung lượng khiêm tốn, quy định tại Luật gần như không có thông tin gì đáng kể, chỉ quy định rằng doanh nghiệp có trách nhiệm này. Một quy định với “3 Không”. Không có nội dung về sản phẩm thuộc diện tái chế, các doanh nghiệp không rõ có thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định hay không để đóng góp cho chính sách. Không có nội dung về cơ chế vận hành, các doanh nghiệp không có nội dung gì để nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Không có đánh giá tác động chính sách. Cứ thế, một trách nhiệm đặt lên vai doanh nghiệp trong sự “mù mờ”.

Bàn về cải cách các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, có thể nói từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp. 

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM (2023) cho thấy còn một số vấn đề bất cập, đó là: Còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.