Tham gia cuộc thi có 36 mẫu cà phê đến từ các nông hộ trồng cà phê tại TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà (Lâm Đồng)… và vùng lân cận, được trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản, chất lượng cao.

Các mẫu cà phê được ban tổ chức đến kiểm tra và đánh giá chất lượng sơ bộ tại nông hộ. Khi đã đạt các chỉ tiêu về cơ lý sẽ tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên và gửi đến Phòng kiểm tra chất lượng của UCC để tiến hành rang và thử nếm, chấm điểm vòng sơ loại và chọn ra 10 mẫu vào vòng chung kết.

 Các chuyên gia nếm cà phê nhằm chọn ra những sản phẩm tốt nhất tại hội thi.

Các mẫu cà phê lọt vào vòng chung kết được chấm bởi các giám khảo là các chuyên gia cà phê đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nhằm đảm bảo tính khách quan khi đánh giá chất lượng. Tiêu chuẩn chấm thi theo biểu mẫu SCA (Hiệp hội Cà phê đặc sản – Specialty Coffee Association), gồm 10 tiêu chí là hương thơm, vị phức hợp, hậu vị, độ chua thanh, độ dày vị, vị đồng đều, sạch đều, ngọt đều giữa các ly, sự cân bằng và hương vị tổng thể.

 Khách thưởng thức các sản phẩm cà phê tại hội thi.

Quá trình chấm thi diễn ra công khai nhằm tuyển chọn ra 8 mẫu cà phê tốt nhất để trao giải. Giải thưởng gồm kỷ niệm chương, giấy chứng nhận và tiền mặt. Các mẫu cà phê sau đó được UCC sản xuất và phân phối tại thị trường Nhật Bản với các thông tin chi tiết về tên nông hộ, phương thức sơ chế, vùng trồng và quốc kỳ Việt Nam trên bao bì.

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.