(Chinhphu.vn) – Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) áp dụng từ ngày 1/1/2024. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tạo động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính…
Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Theo Nghị quyết, thuế suất áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về vấn đề này.
Cơ hội và thách thức đan xen
Thưa Bộ trưởng, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầutừ ngày 1/1/2024. Việt Nam có những cơ hội và thách thức như thế nào trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, chúng ta giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi Trụ cột 2 (đặt ra mức thuế 15% đối với các công ty đa quốc gia) đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tạo động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Thứ ba, đây cũng làcơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài những ảnh hưởng tích cực trên, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2030 theo Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột về: Cải cách thể chế quản lý thuế hiệu quả theo hướng hội nhập, trong đó có việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế – một vấn đề được công đồng nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại trong bối cảnh kinh tế số.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích hiện hữu, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Khó khăn này thể hiện trong thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư; giữ chân các nhà đầu tư lớn, cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp
Việc này cũng hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp này là đáng kể, đóng góp quan trọng đối với phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.
Hỗ trợ đầu tư, bảo đảm sức hấp dẫn và cạnh tranh
Cùng với việc thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, tại Nghị quyết kỳ họp thứ VI, Quốc hội đãđồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác; đồng thời rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về những quyết đáp này của Quốc hội?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, những quyết đáp của Quốc hội về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là rất đúng và “trúng”.
Thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) là sự thay đổi căn bản về cấu trúc thuế quốc tế, được thiết kế nhằm hạn chế việc giảm chuyển dịch lợi nhuận và cạnh tranh về thuế của các tập đoàn đa quốc gia và cạnh tranh “xuống đáy” về thuế của các quốc gia.
Khi Trụ cột 2 được áp dụng với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng tại Việt Nam sẽ không còn ý nghĩa đối với các doanh nghiệp thuộc Trụ cột 2 (doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu euro); dẫn đến Việt Nam sẽ không còn cạnh tranh trong thu hút, giữ chân các doanh nghiệp thuộc đối tượng này.
Các nước phát triển đang khẩn trương và chủ động áp dụng quy tắc này. Còn các nước đang phát triển đang cân nhắc kỹ lưỡng bài toán tăng nguồn thu thông qua áp dụng Cơ chế QDMTT (nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu) nhưng vẫn phải đảm bảo tiếp tục cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua việc ban hành các hình thức ưu đãi mới phù hợp.
Do đó, rất cần thiết phải đánh giá toàn diện hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư để bổ sung, điều chỉnh các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Liên quan việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu quan điểm cần: Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã đề ra 2 nhiệm vụ. Một là đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau.
Hai là xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao… thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết nêu quan điểm cần xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Theo đó, đặt ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Như vậy, với việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư là rất cần thiết và phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại các nghị quyết nêu trên.
Thiết kế các chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn. Xin Bộ trưởng chia sẻ về mục tiêu cũng như yêu cầu khi xây dựng chính sách?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bộ KH&ĐT cho rằng, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì điều tiên quyết là đảm bảo sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Ngoài ra, cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố, như: Tác động tối thiểu đến ngân sách Nhà nước; ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hoà cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà đầu tư mới bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ đầu tư phải phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu thuộc Trụ cột 2 và hướng dẫn của OECD; không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Và cuối cùng, chính sách cần đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Ngọc