Tỷ lệ nhập khẩu điện từ Lào còn rất nhỏ

Về vấn đề nhập khẩu điện của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chủ trương mua bán điện của Việt Nam từ nước ngoài đã quy định tại Luật Điện lực và các nghị định có liên quan.

“Việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam đối với các nước láng giềng, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. 

Theo đó, từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu năng lượng tịnh, đã nhập than, nhập dầu để phát điện và sắp tới sẽ nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, với Trung Quốc từ năm 2010, với Lào từ năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Việc nhập khẩu điện đã được thực hiện từ nhiều năm trước, với Trung Quốc từ năm 2010, với Lào từ năm 2016.

Trong đó, việc nhập khẩu điện từ Lào cũng thể hiện thông qua Hiệp định phát triển hợp tác công trình năng lượng và mỏ, Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước nhằm tăng cường quan hệ toàn diện với bạn. Nhập khẩu điện của Lào không chỉ là quan hệ kinh tế mà còn là quan hệ chính trị, ngoại giao và để bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tỷ lệ nhập khẩu điện từ Lào còn rất nhỏ, mới chỉ có 572MW, bằng 0,73% công suất toàn hệ thống năm 2022 và cũng chỉ dành cho các khu vực biên giới.

“Nhập khẩu điện thời gian qua chỉ để cung cấp cho khu vực biên giới nên rẻ hơn giá điện năng lượng tái tạo trong nước vì phải cộng chi phí truyền tải và hao hụt nhiều trong đường dây từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải. 

Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất 

Liên quan đến năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên có nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải, lưu trữ điện.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện và phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo thì phải có một số nguồn điện nền ổn định, nghĩa là phải có khả năng phát liên tục 24/24 giờ để bù đắp cho những khi không có nắng và gió.

“Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và thủy điện được xem là nguồn điện nền; trong khi các nước thì còn có cả điện hạt nhân. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải carbon có nhiều hơn, thì khi chưa có nguồn hoặc giải pháp khác thay thế, điện chạy bằng than, bằng dầu, bằng khí vẫn được duy trì, huy động để bảo đảm an toàn hệ thống điện”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá. Những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá điện cũng cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải.

Điện gió, mặt trời không tốn tiền mua, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị, trong khi công nghệ thế giới phát triển nhanh, giá thành công nghệ giảm đi hằng năm (trung bình từ 6 đến 8%). Vì thế, giá thành điện năng của năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian.

“Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính phí truyền tải, lưu trữ điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định. 

NGUYỄN THẢO