Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây, tình hình cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng có tiến bộ rất rõ rệt, không giống như năm 2023 thiếu điện cục bộ. Đó là thành quả rất tốt của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, việc tính giá bậc thang như hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, nhất là bậc 1 chỉ có 50kW cho sinh hoạt, người dân tiêu thụ điện, trả tiền điện cho EVN mà lại bị thêm mức thuế 10% VAT là thấy chưa hợp lý. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán xem có miễn thuế VAT hay không?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là một mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Bởi lẽ, nếu càng sản xuất ra nhiều điện thì càng ảnh hưởng đến môi trường và điều này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là một ngành phát thải khá lớn.
Ở Việt Nam, theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương đã chủ trì sửa đổi, bổ sung quyết định này.
Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ mới đây nhất, biểu giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, bậc 1 đã nâng từ mức 0-50kwh lên thành mức 0-100kwh.
“Như vậy, kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa đã được tiếp thu và đã được trình lên Chính phủ đúng như đại biểu mong muốn” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói; đồng thời chia sẻ thêm, mục tiêu của đề xuất trên là nhằm hỗ trợ người nghèo nhưng cũng là để giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. |
Mặt khác, để xóa dần khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong Nghị định 28 sửa đổi lần này cũng đang đề cập đến việc điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Liên quan đến đề nghị giảm thuế để bảo đảm giá điện tiếp tục giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, bảo đảm sự vững mạnh của tài chính công và bảo đảm trang trải cho xã hội, cho hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. |
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế để giải quyết việc giá cả biến động theo thị trường là không hợp lý. Trên thực tế, khi khó khăn do tác động khách quan như dịch Covid-19, 5 năm nay, Quốc hội đã giảm thuế cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân hay giảm tiền thuê đất và mỗi năm chúng ta đã giảm 200.000 tỷ đồng do giảm thuế.
“Thuế VAT đã quy định là 10%, đây là mức thấp và mức này đã áp dụng từ năm 1999 đến nay. Trong khi đó, về vấn đề điện bậc thang, chúng ta đã quy định 6 bậc, bậc 1 cũng đã ưu tiên cho các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm; đối với điện sinh hoạt cũng đã có quy định ưu tiên cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách….”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
ANH PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.