Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc tỉnh lộ để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Về khoảng cách các trạm dừng nghỉ, tiêu chuẩn quốc gia về đường ô tô cao tốc nêu rõ, 15-25km bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường để có thể dừng xe nghỉ ngơi, bảo dưỡng xe. Từ 50 đến 60km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà vệ sinh, cửa hàng.

 Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh do Trạm dịch vụ V52 Hải Dương cung cấp

Khoảng cách từ 120 đến 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, ngoài ra còn có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, trung chuyển…

Đối chiếu theo quy chuẩn, hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông còn thiếu khá nhiều trạm dừng nghỉ. Mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam được phê duyệt xác định sẽ bố trí 36 trạm, trong đó, có 7 trạm hiện đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm sẽ lựa chọn nhà thầu để triển khai trong thời gian tới. Với việc mới chỉ có số ít trạm dừng nghỉ đang hoạt động, một số đoạn tuyến cao tốc hiện chưa có trạm dừng nghỉ hoặc có nhưng quá tải, nhất là vào dịp cao điểm.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), các trạm dừng nghỉ được định hướng đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Thực hiện chủ trương này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT về hướng dẫn lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ. Thông tư 01 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư tham gia xây dựng trạm dừng nghỉ.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án phối hợp với địa phương để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ trên một số dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam, gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây. Công tác lựa chọn nhà đầu tư cho các trạm dừng nghỉ này sẽ thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời, phấn đấu hoàn thành, khai thác trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đồng bộ cùng với việc đưa vào sử dụng đường cao tốc. Bên cạnh đó, với các tuyến đường cao tốc khác trong mạng lưới đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Bộ GTVT và các địa phương sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ, đáp ứng nhu cầu của xã hội, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả dự án cao tốc.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.