(KTSG Online) – UBND tỉnh Bình Phước xin chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 46 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành. Bản đồ hướng tuyến Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk…
(KTSG Online) – UBND tỉnh Bình Phước xin chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 46 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành.
TTXVN đưa tin, tỉnh Bình Phước đề xuất chuyển mục đích sử dụng đối với hơn 46 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông)-Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Trước đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 46,31 ha rừng sản xuất có nguồn gốc rừng trồng. Vùng rừng chuyển đổi thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, huyện Bù Đăng, Bình Phước.
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định. Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị bổ sung nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trước khi trình Chính phủ.
Sau khi có chủ trương về chuyển mục đích sử dụng rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện thủ tục về trồng rừng thay thế cho dự án.
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ hình thành tuyến đường mới song song với quốc lộ 14 hiện hữu, kết nối vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước đến TPHCM cũng như tạo thuận lợi kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu).
Tuyến cao tốc còn giúp vận chuyển nông sản, thực phẩm, bauxite, phát triển du lịch địa phương và khu vực, mở ra cơ hội kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành có chiều dài gần 130 km, đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Phước dài hơn 100 km và qua tỉnh Đắk Nông gần 30 km.
Dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế chạy xe từ 100-120 km/h; tổng vốn đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng, theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 12.770 tỉ đồng.
Kinh tế Sài Gòn Online