Bình Dương đề xuất cơ chế vay 10.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông

(KTSG Online) – Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỉ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm. Khoản vay này, Bình Dương sẽ bố trí vốn hoàn…

Fatz Admin lúc 2024-08-11

(KTSG Online) – Lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỉ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm. Khoản vay này, Bình Dương sẽ bố trí vốn hoàn trả hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã có đề xuất như trên với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng diễn ra ở TPHCM vào ngày 10-8.

Ông Nguyễn Văn Lợi (đứng) báo cáo và đề xuất tại cuộc họp. Ảnh: N.Duy

Ông Bí thư Nguyễn Văn Lợi cho biết, Bình Dương hiện đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng. Sau khi thực hiện cắt, giãn, hoãn các công trình khác chưa thật sự cần thiết vẫn còn thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng.

QUẢNG CÁO

Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỉ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm như đã đề xuất. Tỉnh sẽ bố trí vốn hoàn trả hàng năm đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo.

Về công tác triển khai đầu tư các dự án giao thông kết nối vùng, tỉnh cũng đã có một số kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong vùng quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các nội dung đã được thống nhất, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Cụ thể, bổ sung hạng mục cho dự án Vành đai 3 với đề xuất đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỉ đồng và đầu tư thêm 2 cầu trên đường song hành tại cầu Bình Gởi với kinh phí khoảng 334 tỉ đồng/cầu, sử dụng từ nguồn vốn dự phòng của dự án.

Về đầu tư tuyến đường sắt đô thị thực hiện dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương (gọi tắt là BRT) bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản trên tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn với vốn vay ODA 1.340 tỉ đồng, vốn đối ứng 720 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, qua đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các dự án BRT trên địa bàn cả nước, định hướng quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh và qua trao đổi với các chuyên gia của Nhật Bản, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu phương án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) để kết nối các TOD (Transit Oriented Development) trong nội tỉnh, đáp ứng nhu cầu di chuyển của hơn 5 triệu dân.

Riêng tuyến đường sắt đô thị (Metro) từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên với tổng chiều dài khoảng 34km, kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TPHCM đã có đơn vị đề xuất tài trợ sản phẩm là báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tỉnh kiến nghị thống nhất chủ trương cho chuyển vốn vay ODA từ dự án BRT sang nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ (LRT), đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện các hồ sơ thủ tục đối với tuyến đường sắt đô thị (Metro) từ trung tâm thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TPHCM.

Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Bình Dương đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu khoa học công nghệ quy mô khoảng 220ha, với vùng lõi là Khu công nghệ thông tin tập trung quy mô 48ha.

Theo ông Lợi, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thông minh, hiện đại, hàng đầu của tỉnh và khu vực trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, công nghệ thông tin, vi mạch điện tử, chíp bán dẫn,… từ đó chuyển giao công nghệ, sản xuất với quy mô lớn, thương mại tại các Khu công nghiệp thế hệ mới của tỉnh và cả Vùng Đông Nam Bộ.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách.

Trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam bộ có khả năng thu lớn. Việc này nhằm tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.

Bình Dương xuất siêu 7 tháng hơn 5 tỉ đô la

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cũng báo cáo kết quả thực hiện kinh tế trong 7 tháng 2024, Bình Dương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 6,2%. Thu ngân sách của tỉnh đạt 42.127 tỉ đồng, đạt 65% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,065 tỉ đô la…

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19 tỉ đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu đạt trên 13 tỉ đô la Mỹ; thặng dư thương mại duy trì ở mức hơn 5 tỉ đô la Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 439,88 tỉ đô la, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỉ đô la.

Như vậy, riêng tỉnh Bình Dương đóng góp hơn 5 tỉ đô la thặng dư thương mại trong 7 tháng.

Lê Hoàng

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.