Về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến cuối tháng 9-2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92%. Tại Tây Nguyên, đến ngày 30-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%; tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cuối năm 2022.  

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. 

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất-kinh doanh của khu vực cũng còn những hạn chế, khó khăn, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, giảm nghèo chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. 

Quang cảnh hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên.

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây…); tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu;…

Tin, ảnh: ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.