(Chinhphu.vn) – Dòng chảy thương mại biên giới không phải lúc nào cũng suôn sẻ và việc nhận diện rõ “nút thắt” để có giải pháp tháo gỡ là hết sức quan trọng. Báo Điện tử Chính phủ đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị từ các bộ, ngành,…
Báo Điện tử Chính phủ đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế nhận định về hợp tác kinh tế biên giới của Việt Nam với nước láng giềng có chung đường biên giới cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy thương mại biên giới.
Theo nhóm chuyên gia từ Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với Trung Quốc, quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc hơn 10 năm qua luôn ở trạng thái mất cân bằng. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn đề cập đến việc cân bằng hóa cán cân thương mại giữa hai nước.
Một bất cập nữa, các chuyên gia cho rằng, buôn bán tiểu ngạch còn chiếm tỷ trọng khá lớn nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp và cư dân Việt Nam nhiều lúc bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại ở tuyến biên giới phía Bắc gây khó khăn cho việc quản lý khu vực biên giới, làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của mỗi nước.
Mặt khác, việc thanh toán trong xuất nhập khẩu Việt-Trung qua ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước mặc dù đã có Hiệp định thanh toán và hợp tác do Chính phủ hai bên ký kết.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia về thương mại biên giới cho rằng, thương mại Việt-Trung phát triển quá nhanh nhưng việc tổ chức quản lý nhiều lúc chưa theo kịp nên đã nảy sinh các bất cập.
Nguyên nhân là do nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với tuyến biên giới đất liền, tuy đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, có nơi, có lúc còn chưa toàn diện và chưa phù hợp với tính đặc thù của từng tuyến biên giới đất liền; việc xử lý vướng mắc, bất cập trên thực tế còn chậm.
Bên cạnh đó, điều kiện phát triển kinh tế ở khu vực biên giới lại không thuận lợi (địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, cư dân biên giới có trình độ dân trí chưa cao, đời sống khó khăn; địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều lối mở qua lại nên khó kiểm soát…).
Các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực biên giới hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai các chương trình hợp tác đầu tư tại nước ngoài còn hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc hiện đang còn gặp các vướng mắc khi thực hiện đăng ký cho doanh nghiệp do việc Trung Quốc điều chỉnh Đơn vị quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với một số hàng nông sản, thực phẩm thô (hạt cà phê, hạt ca cao chưa chế biến, rau tươi, gia vị nguồn gốc thực vật, ngũ cốc làm thực phẩm, đậu khô và hạt có dầu) từ Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu sang Vụ Kiểm dịch động, thực vật.
Việc này đã khiến thay đổi phương thức nộp hồ sơ từ trực tuyến trên Hệ thống thương mại một cửa của Hải quan Trung Quốc (CIFER) sang nộp hồ sơ theo công hàm hoặc email gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), có thể thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc hoặc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên Hệ thống CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung doanh nghiệp được xuất khẩu vào Trung Quốc của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam. Một số doanh nghiệp còn chưa bố trí nguồn lực nắm vững yêu cầu của phía Trung Quốc để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc hàng năm. Điều này cho thấy dư địa tại thị trường Trung Quốc vẫn còn khá lớn.
Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ thuật nên hàng hóa Việt Nam gặp không ít khó khăn. “Qua theo dõi cho thấy số lượng hàng Việt Nam bị cảnh báo khi nhập khẩu vào Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2021 ta xếp thứ 4 thì năm ngoái tỷ lệ lô hàng bị cảnh báo xếp thứ 2”, ông Lai thông tin.
Ông Lai dẫn chứng thêm, trong năm ngoái, Việt Nam đàm phán mở cửa cho các sản phẩm tổ yến, bao gồm yến thô và yến tinh. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán khi có thông tin về trường hợp H5N1 thì phía bạn đã dừng với sản phẩm yến thô, và chỉ chấp thuận bàn thảo đàm phán với yến tinh đã qua chế biến, gây nên nhiều bất lợi.
Theo đại diện của Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc), Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn. Sunwah đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển…
“Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah góp ý.
Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam phối hợp cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. “Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, ngược lại thì ít. Nhưng dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế”, đại diện Sunwah nói.
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã chia sẻ thẳng thắn về những “nút thắt” cần tháo gỡ cho phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu giữa Lạng Sơn với các địa phương của Trung Quốc. Đó là, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là hệ thống kho hàng, bến bãi xe, dịch vụ logictics và các dịch vụ liên quan khác.
Hiện nay, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, tăng cường quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là nông sản, trong khi đó số lượng, chất lượng mặt hàng nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn hạn chế so với tiềm năng.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam hoạt động chưa thật sự bài bản, chuyên nghiệp, hạn chế kiến thức pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu, vì vậy tính chủ động chưa cao, phụ thuộc nhiều vào đối tác bên kia biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn còn nhận định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử quốc tế hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Bà Trần Bích Ngọc, Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh cho hayhoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái còn thiếu tính ổn định, đặc biệt phụ thuộc nhiều các yếu tố khách quan (dịch bệnh, thiên tai…), trong khi Lối mở Km 3+4 (cầu phao) là điểm xuất hàng chủ lực của mặt hàng nông thủy sản thường bị gián đoạn thông quan trong mùa mưa bão hay bảo trì, sửa chữa…
Việc chưa ổn định này đã gây khó khăn cho các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đòi hỏi tính ổn định cao bởi những yêu cầu khắt khe liên quan tới thời gian thông quan, thời gian bảo quản hàng hóa, quy định nghiêm ngặt trong an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hệ thống cửa khẩu, lối mở, hạ tầng dịch vụ kho bãi trên địa bàn Móng Cái mặc dù cơ bản đầy đủ song chưa được đầu tư đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa thật cao, cùng với áp lực bởi sự cạnh tranh trực tiếp rất lớn từ hệ thống các cửa khẩu được đầu tư cơ bản đồng bộ chuyên nghiệp trên dọc tuyến biên giới phía Bắc. Do đó, vẫn chưa thực sự thu hút thêm nhiều các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông thủy sản qua địa bàn.
Từ địa phương có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu với đối tác Trung Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, qua theo dõi và nắm bắt phản ánh của các doanh nghiệp, trong hoạt động xuất nhập khẩu biên giới các doanh nghiệp của địa phương vẫn băn khoăn, lo ngại về việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ. Cụ thể, mặc dù đã kê khai hải quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp, đã nộp thuế qua online, nhưng phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan.
Ngoài ra, thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Các thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các bộ, ngành, cơ quan.
Dịch vụ logistics chưa có chuỗi toàn diện như cảng biển, kho tàng, bến bãi. Trên các cửa khẩu sang Trung Quốc, thường xảy ra ùn tắc hàng hóa trong khi chưa đầu tư xây dựng kho lạnh.
Đồng quan điểm, Tham tán Nông Đức Lai nhấn mạnh, việc tập trung vào xuất khẩu qua vận tải đường bộ khiến cơ sở hạ tầng và năng lực thông quan tại một số cửa khẩu biên giới chưa đáp ứng được lưu lượng xe hàng trong những thời điểm vào vụ một số loại trái cây như thanh long, dưa hấu…
Bên cạnh đó, cùng với nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng được Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng trong những năm trở lại đây. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ đầu năm nay nhằm tăng cường các biện pháp, quy định, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói đối với sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc chuyển đổi xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức xuất khẩu chính ngạch cũng chính là ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu rủi ro ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đất liền và là hướng đi tối ưu trong việc xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc trong tương lai.
Nhật Nam
Còn tiếp (kỳ cuối)