Hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu phần lớn là gạo chất lượng cao, khi chiếm tới 60 – 70%, gạo cao cấp có tên thương hiệu chiếm khoảng 15%, 10 – 15% còn lại là gạo thường. Các thống kê cho thấy, phân khúc gạo cao cấp của Việt Nam ít bị cạnh tranh bởi các nước xuất khẩu khác. Gạo của Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia, nhiều thị trường khó tính nhờ chất lượng cao.
Năm 2024, ngành gạo Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị thế lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. |
Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. |
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh việc Chính phủ đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài mục tiêu gia tăng giá trị hạt gạo và thu nhập cho người nông dân, còn khẳng định vị thế quốc gia sản xuất gạo chất lượng cao, gạo ngon nhất toàn cầu.
Nhiều ý kiến đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tin, ảnh:THÚY AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.