(KTSG Online) – Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành nghị quyết về việc hủy bỏ danh mục 114 dự án đầu tư. Tổng diện tích thu hồi gần 690 hecta. Trong danh mục 7 dự án vốn ngoài ngân sách bị hủy bỏ, thành phố Đà…
(KTSG Online) – Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành nghị quyết về việc hủy bỏ danh mục 114 dự án đầu tư. Tổng diện tích thu hồi gần 690 hecta.
TTXVN đưa tin, trong 114 danh mục dự án vừa kể trên, có 101 dự án sử dụng vốn ngân sách, 7 dự án vốn ngoài ngân sách và 6 dự án thu hút đầu tư. Trong tổng diện tích đất cần thu hồi của các dự án này có 27% là đất lâm nghiệp, 71% đất sản xuất nông nghiệp và 2% đất phi nông nghiệp.
Huyện Đam Rông là địa phương có nhiều dự án bị hủy bỏ nhất với 48 dự án, chủ yếu là đường giao thông thôn bản, giao thông nội đồng. Tiếp theo là huyện Đạ Huoai (huyện mới, sáp nhập từ 3 huyện phía Nam) với 37 danh mục dự án bị thu hồi.
Ngoài ra, trong danh mục 7 dự án vốn ngoài ngân sách bị hủy bỏ, thành phố Đà Lạt có 4 dự án. Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 1 của Công ty cổ phần năng lượng gió Xuân Trường với diện tích đất cần thu hồi 32,5 hecta; dự án nhà máy điện gió Xuân Trường 2 của Công ty cổ phần năng lượng gió Cao Nguyên với diện tích đất cần thu hồi 31,2 hecta…
Sáu dự án nằm trong diện thu hút đầu tư bị thu hồi gồm các dự án xây dựng khu đô thị mới xã Phú Hội và khu đô thị mới Liên Nghĩa đều thuộc huyện Đức Trọng. Thành phố Bảo Lộc có 4 dự án thu hút đầu tư bị thu hồi là dự án khu dân cư tổ 14 phường Lộc Phát; dự án khu đô thị mới phường Lộc Tiến; dự án khu trung tâm xã Lộc Thanh và dự án khu tái định cư – Trung tâm thương mại – dịch vụ B’Lao Xanh ở phường Lộc Sơn.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện cùng 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua việc hủy bỏ danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này vẫn chưa được thực hiện hoặc qua rà soát cần hủy bỏ để đảm bảo tính thống nhất.