Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA, nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng, bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội; giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biển đổi khí hậu.

Đồng chí Quách Quang Đông, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Quách Quang Đông, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề xuyên suốt trong chính sách quốc gia của Việt Nam. Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường năng lượng; hiện đã có 100 quốc gia, tức là gần một nửa số quốc gia trên thế giới đã cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (mục tiêu Net Zero).

Xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 13-3-2019, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.

Đại biểu chia sẻ các hoạt động, kết quả của dự án. 

Bà Yang Seo Hyeon, Phó giám đốc Văn phòng KOICA tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đang xây dựng nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên. Những nỗ lực này bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực công nghiệp.

Trong hai năm 2023, 2024, các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã phối hợp thực hiện kiểm toán năng lượng cho 20 doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của Việt Nam thuộc các ngành, như: Giấy, thép, nhựa, phân bón, xi măng.

 

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Dự án tiến hành xây dựng và sửa đổi 2 định mức sử dụng năng lượng cho ngành công nghiệp giấy và thép; xây dựng và phổ biến 5 hướng dẫn kỹ thuật về hiệu quả năng lượng cho các ngành như giấy và bột giấy, dệt nhuộm, thép, xi măng, bia và nước giải khát.

Trong khuôn khổ dự án, còn triển khai các hoạt động nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp như: Cập nhật, sửa đổi bộ giáo trình đào tạo kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng; tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho 160 cán bộ quản lý năng lượng và 40 kiểm toán viên năng lượng…

Tin, ảnh: NGÂN HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.