Hà Nội đã có thể giảm được 1 mét ngập

(KTSG) – Điều tiết việc sử dụng nguồn nước của các hồ thủy điện không đúng có thể dẫn đến ngập lụt và/hoặc khô cạn không đáng có ở vùng hạ lưu. Trong các ngày mưa bão, việc xả nước quá mức cần thiết không chỉ gây ngập lụt cho…

Fatz Admin lúc 2024-11-19

(KTSG) – Điều tiết việc sử dụng nguồn nước của các hồ thủy điện không đúng có thể dẫn đến ngập lụt và/hoặc khô cạn không đáng có ở vùng hạ lưu. Trong các ngày mưa bão, việc xả nước quá mức cần thiết không chỉ gây ngập lụt cho hạ du, mà còn gây lãng phí nguồn nước dùng phát điện.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Ảnh: thacba.vn

Thác Bà và Hòa Bình đều nằm trên thượng du của thủ đô Hà Nội và vùng đông dân cư đồng bằng Bắc bộ, được coi là các công trình “đặc biệt quan trọng” (liên quan đến vấn đề an ninh và sinh mạng của một quốc gia). Vì vậy, thủy điện Thác Bà và Hòa Bình được thiết kế với cấp công trình là cấp I. Lũ thiết kế được áp dụng theo quy định là lũ với tần suất p=0,1% (xác suất xảy ra 1 lần trong 1.000 năm), và lũ kiểm tra với tần suất p=0,01% (xác suất xảy ra 1 lần trong 10.000 năm).

Như vậy, với công trình hồ, đập và nhà máy hiện hữu, khi hồ thủy điện Thác Bà và Hòa Bình đang đầy ở cao trình mực nước dâng bình thường (58 mét và 117 mét) nếu xảy ra lũ kiểm tra với tần suất 0,01% thì các công trình vẫn đảm bảo an toàn vận hành và cắt giảm lũ. Khi đó hồ Thác Bà sẽ dâng nước lên đến cao trình 61 mét và hồ Hòa Bình là 122 mét, các công trình xả lũ vận hành với công suất tối đa, tức mở hoàn toàn (Thác Bà vừa rồi đã mở hết các cửa tràn, tuy nhiên mực nước hồ chưa đến mức 61 mét, còn dưới ngưỡng an toàn).

QUẢNG CÁO

Ngày 17-6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 740/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản của hồ Hòa Bình được xác định:

- Mực nước dâng bình thường: 117 mét;

- Mực nước chết: 80 mét;

- Mực nước lớn nhất kiểm tra (p=0,01%): 122 mét;

- Dung tích toàn bộ: 9,862 tỉ mét khối;

- Dung tích hữu ích: 6,062 tỉ mét khối;

- Lũ lớn nhất có chu kỳ lặp lại 300 năm: 32.012 mét khối/giây (p=0,33%);

- Lũ lớn nhất có chu kỳ lặp lại 500 năm: 33.671 mét khối/giây (p=0,2%).

Theo quyết định trên, lũ do cơn bão Yagi vừa qua là “lũ muộn”, vì vậy, khi vận hành trong thời kỳ lũ muộn “Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định việc tích dần hồ Hòa Bình đến cao trình 115 mét”… “Trong quá trình tích nước, nếu Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo có khả năng xảy ra lũ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai xem xét quyết định việc vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ, nhưng tối đa không thấp hơn giá trị mực nước quy định (xem biểu đồ) (đối với hồ Hòa Bình là 110 mét).

Từ các số liệu do EVN công bố trong quá trình điều tiết hồ thủy điện Hòa Bình ta có biểu đồ về diễn biến của lưu lượng nước và mực nước thượng lưu của hồ Hòa Bình trong 98 giờ “nước sôi lửa bỏng” ứng phó với cơn bão Yagi vừa qua (từ 12 giờ ngày 8-9 đến 14 giờ ngày 12-9-2024) (xem biểu đồ).

Một chuyên gia đã vận hành điều tiết lũ hồ thủy điện cho biết: “Điều tiết lũ giống như chơi chứng khoán. Phải “bắt” được “đỉnh” và “đáy” để quyết định bán ra (xả nước) hay mua vào (tích nước)”.

Trong bốn ngày diễn ra cơn bão Yagi, hồ Hòa Bình có bốn lần lũ lên “đỉnh” (với lưu lượng hơn 4.871 mét khối/giây), chủ yếu vào ban đêm.

Số liệu từ các biểu đồ trên cho thấy diễn biến của hồ Hòa Bình trong cơn bão Yagi như sau:

1. Về mực nước: nước đã được tích đến cao trình tối đa 112,33 mét (14 giờ ngày 12-9), nhưng còn thấp hơn so với mức cho phép trong Quyết định 740, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường tới 4,67 mét; và còn thấp hơn mực nước gia cường tới 9,67 mét.

2. Về dung tích nước: Theo đường đặc tính của hồ Hòa Bình, ở cao trình từ 100÷120 mét, dung tích chứa của hồ tăng từ 6,7 lên 10,3 tỉ mét khối, bình quân 1 mét ở cao trình này tương đương với 0,18 tỉ mét khối. Ở cao trình 112,33 mét (lúc 14 giờ ngày 12-9), dung tích nước được tích trong hồ khoảng 9 tỉ mét khối, tức còn thấp hơn khoảng 0,84 tỉ mét khối so với dung tích ở mực nước dâng bình thường.

3. Về lưu lượng nước: Lưu lượng nước lũ đến hồ bình quân 4.793,87 mét khối/giây (lúc 22 giờ ngày 8-9); Tổng lượng nước đến hồ khoảng 1,69 tỉ mét khối. Lưu lượng nước xả bình quân 4.111,88 mét khối/giây (phát điện 2.136 mét khối/giây; xả qua đập tràn 1.976 mét khối/giây), tối đa – 5.651,00 mét khối/giây (lúc 14 giờ ngày 9-9). Tổng lượng nước xả khoảng 1,451 tỉ mét khối, trong đó: tổng lượng nước xả qua các tổ máy phát điện khoảng 0,754 tỉ mét khối, tổng lượng nước xả qua đập tràn (xả sâu) 0,697 tỉ mét khối. Như vậy, hồ Hòa Bình đã “cắt” được đỉnh lũ và chỉ giữ lại trong hồ có 0,24 tỉ mét khối.

Tại thời điểm trích dẫn số liệu từ trang web của EVN lúc 12 giờ ngày 8-9-2024, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 110,96 mét. Như vậy dung tích hồ còn lại có thể dùng điều tiết lũ khoảng 1 tỉ mét khối. Nếu chỉ phát điện mà không xả qua tràn thì tổng lượng nước giữ lại trong hồ là 0,697+0,24=0,937 tỉ mét khối, khi đó, hồ vẫn chưa đạt tới cao trình mực nước dâng bình thường là 117 mét.

Trong khi nhánh sông Đà lũ không đáng kể, hồ Hòa Bình đã có thể giữ lại 0,937 tỉ mét khối và giảm lưu lượng xả trung bình về Hà Nội 1976 mét khối/giây và Hà Nội sẽ giảm được khoảng 1 mét ngập!

Nếu điều tiết đúng hơn, hồ Hòa Bình đã có thể chống ngập cho vùng thủ đô Hà Nội tốt hơn và sẽ có thể cung cấp cho nền kinh tế thêm nhiều sản lượng điện rẻ tiền. Ví dụ: trong 98 giờ vận hành, có 22 giờ (chiếm 22,5%) lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng nước về. Trong 22 giờ này, hồ đã xả thừa ít nhất 106 triệu mét khối nước về hạ du.

Cách đây 28 năm, một đề tài nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của việc vận hành các hồ đến mực nước dâng tại Hà Nội đã đưa ra đường đặc tính lũ của Hà Nội (trong thời gian từ 18-8-1996 đến 28-8-1996). Theo đó, khi lưu lượng lũ về tăng từ 10.000 mét khối/giây lên 27.000 mét khối/giây, mực nước tại Hà Nội đã dâng từ cao trình 7 mét lên 14,4 mét; khi lưu lượng lũ về giảm từ 27.000 mét khối/giây xuống còn 15.000 mét khối/giây, mực nước dâng tại Hà Nội đã giảm từ cao trình 14,4 mét xuống còn 9,5 mét. Khi hồ vận hành chế độ giảm lũ, nếu lưu lượng lũ về giảm 2.000 mét khối/giây thì mực nước ngập ở Hà Nội sẽ giảm 1 mét.

Số liệu trên đến nay có thể không đại diện và không còn chính xác, cần phải nghiên cứu cập nhật. Tuy nhiên, việc tham khảo cũng cho thấy “dư địa” của việc vận hành hiệu quả hồ thủy điện so với vừa qua. Nếu giảm thêm được 1 mét nước ngập lụt ở Hà Nội, hàng ngàn héc ta lúa, cây ăn quả và cây cảnh sẽ được cứu sống. Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô chắc sẽ vui hơn nhiều.

Nhận xét

Nhân đây cũng cần nêu ra những bất cập trong Quyết định 740/QĐ-TTg gây khó cho quá trình “chỉ đạo” và ra quyết định trong điều tiết lũ:

1. Việc quy định lũ “sớm” từ ngày 15-6 đến 19-7, lũ “chính vụ” từ ngày 20-7 đến 21-8, còn lũ “muộn” từ ngày 22-8 đến 15-9 là không có căn cứ.

Hiện tượng lũ lụt hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nằm ngoài “quy hoạch” của con người. Ta không nên “thay Trời” phân lũ thành cái gọi là “sớm”, “muộn”, “chính vụ”. Càng không nên quy định nó phải diễn ra trong khoảng thời gian nào.

Mọi quy trình vận hành hồ trong quá trình ứng phó với lũ là phải tận dụng được tối đa dung tích của các hồ chứa. Vì, không sử dụng hết dung tích chứa của hồ là lãng phí tài nguyên nước, lãng phí số tiền khổng lồ đã được đầu tư vào công trình thủy điện.

2. Trong Quyết định 740, vai trò rất quan trọng thuộc về Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn. Số liệu dự báo đưa ra phải chính xác ở mức cao nhất. Không nên dự báo theo kiểu “bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Móng Cái đến Nam Định”!

3. Cuối cùng, cũng cần nhắc đến, tuy nhỏ, đó là đóng góp của EVN. Từ 9 giờ ngày 11-9 đến 14 giờ ngày 12-9, EVN đã bắt đầu “mua vào” bằng cách đóng cửa xả và duy trì phát điện ở mức khiêm tốn, thấp hơn khoảng 800 mét khối/giây so với lưu lượng có thể phát. Chỉ bằng việc đơn giản này, EVN đã góp phần giảm 0,333 mét nước ngập lụt cho vùng thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Thành Sơn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.