Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, Bắc Ninh là địa phương có mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển khá toàn diện.

Tuy nhiên, trong thực tế tổ chức, quản lý vẫn còn một số bất cập, tồn tại so với Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ mới được Chính phủ ban hành vào tháng 6-2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn. 

Tại buổi gặp mặt, trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương đã trực tiếp trao đổi, trả lời những câu hỏi, ý kiến, kiến nghị của các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung: Những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác, phát triển chợ; cách thức chuyển đổi, khắc phục tình trạng hạ tầng chợ xuống cấp; xử lý tài sản thanh lý đối với chợ hết hạn khấu hao. Đồng thời đề nghị tỉnh giới thiệu, bố trí mặt bằng để làm địa điểm bán hàng, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP…

Đại diện Ban Quản lý chợ Nhớn, thành phố Bắc Ninh đặt câu hỏi.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã thống nhất chủ trương, từ nay đến 30-12-2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển, củng cố hệ thống chợ trên địa bàn của địa phương mình, trên cơ sở rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống các chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư. Cùng với kế hoạch chung của địa phương, từng chợ cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, thời gian, mô hình hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở quy hoạch, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình thu hút đầu tư đối với những địa điểm, vị trí quy hoạch để phát triển chợ, tập trung thu hút đầu tư từ nay đến năm 2027, chậm nhất đến năm 2030, hoàn thành củng cố hoạt động của chợ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chậm nhất đến 25-11-2024 phải có văn bản trả lời cụ thể; công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở Công Thương và đăng tải trả lời ý kiến của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và sở, gửi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp. Song song với đó, “Sở Công Thương phải ban hành hướng dẫn cụ thể đối với từng mô hình chuyển đổi gồm những bước như thế nào, mất bao nhiêu thời gian, đơn vị nào chịu trách nhiệm chuyển đổi, quản lý, công khai để các nhà đầu tư nắm rõ được nội dung”.

Tin, ảnh: HỮU THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.