Thông tin trên được công bố tại Phiên họp trực tuyến trao đổi kỹ thuật lần thứ 3 về EUDR: “Giới thiệu các công cụ truy xuất nguồn gốc và giải đáp các vướng mắc kỹ thuật” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức chiều 15-11, tại Hà Nội. 

Cuộc họp lần này tập trung vào các khía cạnh về truy xuất nguồn gốc cũng như tạo cơ hội cho các bên liên quan tại Việt Nam trực tiếp nêu những thắc mắc về EUDR cũng như tác động của quy định này đối với các ngành hàng cà phê, gỗ và cao su. Cuộc họp đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy đối thoại giữa EU và Việt Nam về cách thức phối hợp nhằm đảm bảo các sản phẩm bền vững, được sản xuất hợp pháp và không gây mất rừng cho thị trường EU.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội. 

Tham dự cuộc họp có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu, bao gồm đại diện từ các cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân, các hiệp hội 3 ngành hàng gỗ, cao su và cà phê, cũng như các tổ chức phi chính phủ. Cuộc họp được đồng chủ trì bởi ông Tô Việt Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT và Tiến sĩ Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Tô Việt Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định lùi thời gian áp dụng EUDR, Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó củng cố vị thế về nhà cung cấp nông sản trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế”.

Cà phê là một trong những sản phẩm sẽ phải tuân thủ quy định EUDR của EU thời gian tới. 

Tiến sĩ Rui Ludovino, Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “Để đảm bảo việc triển khai EUDR một cách hiệu quả và minh bạch về mặt pháp lý, quy định này ban đầu dự kiến áp dụng từ ngày 31-12-2024, nay có thể được trì hoãn đến ngày 31-12-2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6-2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với đề xuất gia hạn thêm 12 tháng chuẩn bị, EU mong muốn tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp, các quốc gia thứ ba và các bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng cho việc triển khai EUDR”.

Với những diễn biến của EUDR, thời gian gấp rút và sự đa dạng của các bên liên quan quốc tế, EC cho rằng, việc gia hạn thêm 12 tháng là một giải pháp cân bằng, giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu triển khai hệ thống suôn sẻ ngay từ đầu. Đề xuất gia hạn này sẽ không thay đổi mục tiêu hay nội dung của luật, như đã được các nhà lập pháp EU đồng thuận.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.