(Chinhphu.vn) – Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 mà Chính phủ đã trình trước Quốc hội; cho rằng các số liệu trong báo cáo là rất đầy…
Các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt giúp giữ vững sự ổn định tài chính
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 mà Chính phủ đã trình trước Quốc hội, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ đã giúp Việt Nam giữ vững sự ổn định tài chính. Tỷ giá hối đoái được duy trì hợp lý góp phần kích thích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao và kiểm soát được lạm phát dưới mức 4%.
Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam giữ vững vị thế và duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Sự ổn định tài chính đã trở thành nền móng vững chắc để Việt Nam tiếp tục bước vào các giai đoạn phát triển tiếp theo với niềm tin và kỳ vọng lớn.
Một nền kinh tế hiện đại không thể thiếu sự chuyển đổi số toàn diện và Việt Nam đã xác định đây là yếu tố chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Theo ông Thịnh, chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu ngắn hạn mà còn là hướng đi dài hạn để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, quá trình số hóa hiện nay vẫn còn chưa đạt độ sâu rộng như kỳ vọng, cần có thêm các chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư và xây dựng nền tảng số.
Với những chính sách hỗ trợ đúng đắn, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến xa hơn trong phát triển kinh tế số, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế và tăng cường sức mạnh kinh tế nội địa. Các cơ quan chức năng cũng cần giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình số hóa, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phát triển kinh tế cần tạo điều kiện cho cả khu vực tư nhân và Nhà nước, đặc biệt là khi Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, kinh tế Nhà nước vẫn đóng vai trò là đầu tàu, đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho phát triển bền vững.
Việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều lĩnh vực cần sự góp mặt của khu vực tư nhân để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ giúp nâng cao tính cạnh tranh mà còn mang lại hiệu quả cho các lĩnh vực như công nghệ, dịch vụ và nông nghiệp. Để tận dụng tiềm năng này, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước sẽ tạo nên một nền kinh tế đa dạng, mang đến sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2025 là cột mốc mà Việt Nam hướng tới để hoàn thiện các chiến lược phát triển, trong đó kinh tế số và kinh tế tuần hoàn là hai mũi nhọn quan trọng. Kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu lãng phí, tăng cường tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là hướng đi tất yếu và bền vững trong tương lai, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Kinh tế số với nền tảng công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp, mục tiêu phát triển kinh tế số sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được các thành tựu kinh tế nổi bật, xây dựng nền kinh tế hiện đại và phát triển bền vững.
Bàn về các giải pháp pháp triển kinh tế năm 2025, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nguồn vốn cho phát triển kinh tế cần được điều phối linh hoạt, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để tránh lãng phí. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần giải quyết triệt để các hiện tượng nhũng nhiễu trong công tác quản lý, đặc biệt là những hành vi lạm dụng quy định nhà nước để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Năm 2024 là một năm đầy thử thách nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam. Bằng những chính sách, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành cùng sự linh hoạt và kiên định của các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và sức mạnh của mình trên trường quốc tế”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định
Kinh tế xanh: Xu thế không thể đảo ngược
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh tế xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ cũng đã có những định hướng, chính sách hỗ trợ kịp thời từ các ưu đãi tài chính đến các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh nhằm hướng đến nền kinh tế bền vững.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhanh chóng đón nhận yêu cầu này và thực hiện chuyển đổi, điều chỉnh mô hình sản xuất nhằm hướng tới “xanh hóa” quy trình và nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về môi trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm Việt Nam đã ghi dấu ấn tại các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ… tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế.
“Xanh hóa” nền kinh tế không chỉ là trách nhiệm mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao uy tín quốc tế, khẳng định rằng kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra một điểm yếu đáng lưu ý trong phát triển kinh tế xanh. Đó là, các cơ chế tài chính hỗ trợ cần rõ ràng hơn, mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn nữa các cơ chế tài chính để thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh./.
Văn Hiền