Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng, thuận lợi, khó khăn thách thức trong chuỗi giá trị lúa gạo và mối liên kết 4 nhà (nhà nông dân, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Các đại biểu cùng nhau trao đổi tại hội thảo. |
Hiện có 3 kênh tiêu thụ lúa chủ yếu ở vùng ĐBSCL gồm: Nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu (chiếm 12,1% tổng sản lượng lúa); nông dân bán lúa qua hợp tác xã (HTX) (chiếm 37,5%) để phân phối lại cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu hoặc qua thương lái; nông dân bán qua thương lái (chiếm 50,4%) và phân phối lại cho các đối tượng khác.
Mặc dù kênh tiêu thụ lúa nông dân qua HTX, cung cấp lúa cho doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng thực sự vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ, dài hạn và hiệu quả cao, diện tích có liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa nông dân/HTX và doanh nghiệp ở ĐBSCL còn rất thấp. Phần lớn HTX thiếu vốn để cung cấp các dịch vụ cho hộ trong liên kết (vật tư đầu vào, máy móc), năng lực của phần lớn các HTX hạn chế chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp trong liên kết…
Các đại biểu đề xuất các hộ nông dân nên tham gia vào HTX, hoặc tổ hợp tác (THT) kê khai diện tích sản xuất lúa và diện tích liên kết, tuân thủ các các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ theo thỏa thuận liên kết. Tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, đồng bộ, hình thành HTX/THT hay tổ chức của nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các HTX, đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững.
Tin, ảnh: THANH HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.