(KTSG Online) – Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quí đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực… như Bắc Ninh, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội… Mặc dù…
(KTSG Online) – Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 quí đầu năm 2024 tại Việt Nam tập trung vào các địa phương có lợi thế về hạ tầng, nhân lực… như Bắc Ninh, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội… Mặc dù không có nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng, song theo chuyên gia Savills việc vốn FDI tập trung vào sản xuất công nghệ cao là một tín hiệu đáng mừng.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài). Tính đến ngày 30-9 vốn FDI đạt 24,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng FDI ghi nhận mức cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay với gần 4,26 tỉ đô la Mỹ.
Theo đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, TPHCM, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 80,1% số dự án mới và 72,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 9 tháng.
Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng của FDI tại Việt Nam đã chậm lại so với các năm trước, tuy nhiên xu hướng đầu tư nước ngoài trực tiếp vẫn tiếp tục duy trì và cho thấy một triển vọng tích cực.
Đồng thời, bức tranh FDI tổng thể cho thấy cấu trúc đầu tư vào sản xuất đã có sự chuyển dịch. Thay vì tập trung vào các ngành truyền thống như dệt may hay gỗ, Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện.
Củng cố cho nhận định này, số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài chỉ ra nhiều dự án trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng của Việt Nam liên tục được đầu tư mới và mở rộng vốn trong vòng 9 tháng vừa qua.
Xu hướng này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang dần chuyển mình thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao với giá trị gia tăng lớn hơn. Đồng thời, sự chuyển dịch này không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng nghĩa với việc Việt Nam đang dần chuyển mình từ một điểm đến đầu tư giá rẻ sang một trung tâm sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn hơn.
Bản chất của dòng vốn FDI đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong quí 3, với sự gia tăng đáng kể các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông. Điều này phần lớn là do nhu cầu đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, một xu hướng toàn cầu hiện nay.
Trong xu hướng này các giao dịch cho thuê văn phòng tại Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt, nhằm đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài đang làm việc trong nước. Tại TPHCM, 63% nguồn cung Hạng A và B sắp khai trương sẽ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận xanh để đáp ứng nhu cầu của các khách thuê và doanh nghiệp nước ngoài.
Nguyên nhân của xu hướng ngày đến từ việc các tiêu chí môi trường, quản trị và xã hội (ESG) hiện đang là mối quan tâm của doanh nghiệp toàn cầu. Có thể nói, việc phát triển không gian văn phòng đạt chuẩn ESG tại Việt Nam không chỉ cải thiện môi trường làm việc, mà còn mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu FDI.