Đồng thời, cần năng động, sáng tạo, quyết liệt, có lộ trình thực hiện rõ ràng… Đó là một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024).

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Lịch sử đã cho người Hà Nội những nét riêng khó lẫn. Đó là phong thái nho nhã trong lời nói, đi lại và ứng xử, giao tiếp; sự tinh tế, tao nhã trong thưởng thức ẩm thực… Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chính quyền TP Hà Nội luôn xác định đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược, là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thiếu bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dẫn đến tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc, xâm hại di sản văn hóa, biến dạng cảnh quan đô thị. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, chúng ta cần bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức.

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY 

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: Lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung. Sau gia đình là đến nhà trường, cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống. Tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các mối quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống. 

——————

GS, TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Để Hà Nội thực sự là nơi đáng sống, đáng đến

Thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng về địa lý, tài nguyên đa dạng, phong phú về con người, di sản văn hóa mà ít thủ đô trên thế giới có được. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những hạn chế đang gặp phải, Hà Nội chưa có một thể chế thực sự vượt trội để phát huy hết tiềm năng cho phát triển; chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn. Môi trường bị ô nhiễm. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế.

Một bộ phận cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá. Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phân tích thấu đáo và có phương án giải quyết nhằm bảo đảm cho sự phát triển trong giai đoạn tới. Phải định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội hiện đại, đột phá, xứng tầm, không thể coi quy hoạch chỉ là những điều chỉnh nhỏ, tạo ra những thay đổi nhỏ. Ví dụ như trục không gian sông Hồng, từ trước đến nay chúng ta đều nhận ra tiềm năng rất lớn nhưng lại không được khai thác, thậm chí đang còn tồn tại những khu vực nhếch nhác, làm mất vẻ đẹp của đô thị.

Để khắc phục điểm nghẽn, theo tôi, thứ nhất, cần phải phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm, tận dụng tốt cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù, xây dựng, hoàn thiện thể chế, kiến tạo không gian và cách tiếp cận phát triển mới. Thứ hai, phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu phát triển, lấy lợi ích của đa số vì sự phát triển của Thủ đô trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích các bên làm tiêu chuẩn thay đổi.

Thứ ba, tôn trọng, giữ gìn, tôn tạo và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử, trở thành nguồn lực phát triển bền vững, xây dựng Thủ đô phồn vinh, là nơi đáng sống, đáng đến, đáng lưu lại. Thứ tư, phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác hợp lý, hiệu quả những lợi thế đặc thù để phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, úng ngập… Cuối cùng là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Có lộ trình thực hiện cụ thể, năng động, sáng tạo trong thực hiện…

——————–

TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):

Phát triển giáo dục gắn với chất lượng và công bằng

Hà Nội được đánh giá là một trong những thành phố đi đầu cả nước về chất lượng giáo dục-đào tạo. Trong thời gian qua, có thể thấy, ngành giáo dục Thủ đô đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là bảo đảm được phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn thành phố. Các trường học tại Thủ đô đều được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục-đào tạo chất lượng cao, Thủ đô cần chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục chất lượng gắn với công bằng.

Để phát triển chất lượng giáo dục Thủ đô, theo tôi cần tiếp tục xây dựng chương trình giáo dục chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo cả về kiến thức và đạo đức con người. Đẩy mạnh phát triển trường công lập chất lượng cao nhưng vẫn bảo đảm học phí hợp lý cho học sinh. Đồng thời, mở rộng nhiều chính sách cho phép các trường học được tự chủ trong việc lựa chọn giáo viên nhưng dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Bên cạnh đó, để bảo đảm yếu tố công bằng trước sự gia tăng dân số cơ học của Thủ đô, cần phải đầu tư đáp ứng đủ số trường, lớp cho các em học sinh. 

——————

Ông THÁI HỒ PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội:

Tập trung phát triển hệ thống xe buýt xanh 

Được xác định là giải pháp cơ bản giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Đây là cơ hội mở ra cho hệ thống giao thông vận tải Thủ đô có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp xu thế và trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới.

Căn cứ vào tình hình thực tế và hệ thống mạng lưới xe buýt trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã đưa ra 3 phương án chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Trong đó, đề xuất lựa chọn phương án 3: Phát triển 50% xe buýt điện, 50% xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên nén và khí thiên nhiên hóa lỏng trong giai đoạn 2026-2035. Đồng thời, dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành 100% xe buýt điện. Đây là kịch bản được đánh giá có mức phí phát sinh ở mức hợp lý, bảo đảm cân đối được nguồn lực. Tuy nhiên theo tôi, chỉ “xanh” phương tiện thôi là chưa đủ.

Theo đó, cần phải phát triển đồng bộ giải pháp “xanh” cả về điểm dừng, thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ kèm theo. Hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đang bắt đầu triển khai vé xe buýt ảo có khả năng hoạt động không cần internet. Đây được coi là bước tiến mới trong nỗ lực hiện đại hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng, giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn, tiết kiệm chi phí cho cả hành khách lẫn cơ quan quản lý.   

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.