Sửa đổi quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Chính phủ sửa đổi quy định Hệ thống bảo đảm…

Fatz Admin lúc 2024-09-30

(Chinhphu.vn) – Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Sửa đổi quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam- Ảnh 1.

Chính phủ sửa đổi quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, Nghị định này quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với nhập khẩu, xuất khẩu; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT.

Nghị định số 120/2024/NĐ-CP nêu rõ: Nghị định này quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đối với hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu gỗ; tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu gỗ; cấp giấy phép FLEGT.

QUẢNG CÁO

Danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực

Nghị định số 120/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực, không thuộc vùng địa lý tích cực.

Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro

Theo Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực khi bảo đảm một trong các tiêu chí sau:

1- Có hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT đang vận hành;

2- Có quy định pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ về trách nhiệm giải trình tính hợp pháp của gỗ cho toàn bộ chuỗi cung ứng từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi khai thác phù hợp với Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam;

3- Có chỉ số hiệu quả Chính phủ từ 0 trở lên theo xếp hạng gần nhất trước đó của Ngân hàng thế giới về chỉ số quản trị toàn cầu (WGI); có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thực thi CITES được xếp loại I do Ban thư ký CITES công bố và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được Việt Nam công nhận đáp ứng tiêu chí gỗ hợp pháp theo quy định tại Nghị định này hoặc quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế với Việt Nam về gỗ hợp pháp.

Theo Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, quốc gia, vùng lãnh thổ không thuộc vùng địa lý tích cực khi thuộc một trong các trường hợp sau:

1- Quốc gia, vùng lãnh thổ không đáp ứng tiêu chí trên;

2- Quốc gia, vùng lãnh thổ đáp ứng tiêu chí trên nhưng có bằng chứng khai thác, buôn bán gỗ bất hợp pháp hoặc sử dụng tài liệu giả mạo theo quy định pháp luật của các quốc gia liên quan.

Bên cạnh đó, Nghị định nêu rõ, Danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định; định kỳ trước ngày 31/12 hằng năm hoặc khi có thay đổi Danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc vùng địa lý tích cực được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn.

Danh mục loài gỗ rủi ro

Theo Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, Gỗ thuộc Danh mục loài rủi ro nếu thuộc một trong các tiêu chí sau:

1- Gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Phụ lục CITES);

2- Gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

3- Loài gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam;

4- Gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại quốc gia, vùng lãnh thổ khai thác hoặc gỗ khai thác, buôn bán trái phép hoặc gỗ do sử dụng tài liệu giả mạo để chứng nhận hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức được quy định trong Điều ước quốc tế hoặc Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên xác định và công khai.

Nghị định nêu rõ, gỗ không thuộc loài rủi ro khi không thuộc các tiêu chí trên.

Danh mục loài gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm tên khoa học, tên thương mại tiếng Việt, tiếng Anh (nếu có) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định; định kỳ trước ngày 31/12 hằng năm rà soát và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn khi có thay đổi.

Hồ sơ gỗ nhập khẩu

Theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai các tài liệu sau:

1- Bản chính bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2- Một trong các tài liệu sau:

– Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu cấp; Bản sao giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp;

– Trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Bản sao giấy phép FLEGT xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp;

– Trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu không thuộc 2 trường hợp trên: Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định số 120/2024/NĐ-CP nêu rõ, khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng gỗ nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai các tài liệu sau:

1- Bản chính Bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2- Một trong các tài liệu sau:

– Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu cấp; Bản chính hoặc bản điện tử giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp;

– Trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Bản sao giấy phép FLEGT xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.

3- Trường hợp chủ gỗ xuất trình hồ sơ bằng bản giấy: Sau khi thực hiện xong thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan trả lại hồ sơ gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ để lưu giữ theo quy định.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã nộp hồ sơ đăng ký phân loại doanh nghiệp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP.

Tuệ Văn

  • Tham khảo thêm

    Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam

    Tài chính carbon và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam

  • Tham khảo thêm

    Hội chợ Quốc tế đồ gỗ ngoài trời tại Bình Định

    Hội chợ Quốc tế đồ gỗ ngoài trời tại Bình Định

  • Tham khảo thêm

    Phấn đấu rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha

    Phấn đấu rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha

  • Tham khảo thêm

    Nhiều thách thức cho phát triển ngành gỗ Việt Nam

    Nhiều thách thức cho phát triển ngành gỗ Việt Nam

 

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.