Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đồng chủ trì.

 Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo cho thấy, nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Về nhập khẩu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Hai địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỷ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. 

Tuy có nhiều thế mạnh và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, song Đồng bằng sông Cửu Long được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Nhìn chung, công tác xúc tiến thương mại còn thiếu sự đồng bộ, chồng chéo, trùng lặp. Nhiều doanh nghiệp còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại, khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, tiếp thị xuất khẩu trên địa bàn vùng còn hạn chế.

Các đại biểu tham quan quầy trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi về phương hướng đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao; chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.

Tin, ảnh:THANH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.