Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 7 mô hình thí điểm thuộc đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại 5 tỉnh, thành: Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. 

Các đại biểu xem trình diễn thu hoạch lúa ST25 tại cánh đồng thí điểm theo mô hình phát thải thấp ở Sóc Trăng. 

Từ tháng 5-2024, khí hậu, thời tiết trong sản xuất trồng trọt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra không thuận lợi: Cuối vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông 2024 các cơn mưa ít xảy ra nhưng lượng mưa nhiều và kéo dài kèm theo dông và gió to gây khó khăn trong công tác chăm sóc và thu hoạch lúa. Tuy nhiên, việc tuân thủ thực hiện các giải pháp chỉ đạo sản xuất sâu sát, kịp thời và sự nỗ lực áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học, công nghệ, an toàn và quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy trình Đề án. Bước đầu các mô hình đạt kết quả rất khả quan, giảm chi phí, năng suất cao, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân. Mô hình triển khai thí điểm tại Sóc Trăng là một điển hình.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, dù chưa thu hoạch hết, bước đầu có thể khẳng định mô hình thí điểm thuộc đề án đạt kết quả khả quan. “Ngay sáng nay khi thu hoạch 50ha lúa thí điểm ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân cho biết chi phí chỉ khoảng trên 2 triệu đồng/công (1.000m2). Năng suất khoảng 700kg, được doanh nghiệp bao tiêu với giá 10.800 đồng/kg, tính ra trừ chi phí còn lời trên 5 triệu đồng/công. Đây mới là mục tiêu của đề án, làm sao giảm được chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, chứ không phải bán chứng chỉ carbon. Chúng tôi rất vui vì thu nhập của người trồng lúa theo mô hình đã tăng thêm”, ông Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thí điểm. 
Cục Trồng trọt trao sổ tay kỹ thuật cho các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia mô hình thí điểm. 

Qua một vụ sản xuất, từ hiệu quả kinh tế ban đầu cho thấy việc giảm vật tư đầu vào không ảnh hưởng đến năng suất, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Đây là động lực khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong tương lai. Ở góc độ ngành nông nghiệp, từ kết quả đạt được ban đầu, bộ đang phối hợp các địa phương mở rộng diện tích trong vụ đông xuân tới để tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến tăng lên 200.000ha vào năm 2025. 

Tin, ảnh:THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.