Trong một báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ luôn được Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Vùng sản xuất nguyên liệu trà hoa cúc bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hưng Yên. Ảnh: NGUYỆT MINH |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai các nội dung đề án, chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, tính đến nay đã có hơn 2.500 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà…). Cả nước đã có 217.097,9 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, với 14.048 cơ sở được chứng nhận. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 9.367,2 ha được cấp chứng nhận VietGAP, với 954 cơ sở được chứng nhận; 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 78%. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều bảo đảm tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; công nhận 12.075 sản phẩm đạt chuẩn “OCOP 3 sao” trở lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng kịp thời phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm tới người dân, doanh nghiệp, các bên liên quan thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo; đăng tải trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với các cơ quan báo chí.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Nam xử lý, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm và cung cấp thông tin liên quan việc xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam; xử lý các vấn đề thông tin phản ánh của báo chí về thủy sản sống…
Tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết đã gia tăng số lượng và đa dạng phương thức phổ biến, vận động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn; gia tăng số lượng, quy mô sản xuất an toàn, bền vững (GAP, hữu cơ…), chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng duy trì các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất. Từ đó kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm túc các vi phạm an toàn thực phẩm.
THÙY LÂM
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.